Triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ngày 7/9/2021,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch thời gian tới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Theo đó, Kế hoạch gồm có 6 nội dung: (1) Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; (2) Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; (3) Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; (4) Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; (5) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; (6) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch , trong đó, ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống Covid-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K. Tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế. Thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch , triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Định hướng truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh; cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi. Đa dạng các kênh truyền thông như: Qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến; các kênh truyền thông quốc tế lớn; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm.
Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường , triển khai quy hoạch hệ thống du lịch, định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe. Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch , phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch: Nâng cấp ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn https://safe.tourism.com.vn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin https://travelpass.tourism.vn để phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến).
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch , đề xuất triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với hoạt động khôi phục kinh doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp du lịch, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Chính phủ. Đề xuất miễn, giảm thuế đối với các khoản chi phí kích cầu, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề du lịch.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch , đề xuất, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch về nghiệp vụ, kỹ năng khai thác thị trường, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số và các kiến thức khác nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu việc triển khai kế hoạch cần bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành. Bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả của các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Đồng thời, đề cao trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội liên quan trong việc xây dựng, triển khai chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Tổng cục Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch; Hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch; phối hợp tổ chức truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Các sở quản lý du lịch tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch trên địa bàn: Chuẩn bị tốt các điều kiện mở cửa điểm đến, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động phục hồi hoạt động kinh doanh.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch phối hợp đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh, đào tạo và đào tạo lại lao động; thực hiện tốt các quy định về du lịch an toàn; liên kết, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ nhằm kích cầu du lịch.
Xem thêm: Cà Mau nổ lực tìm giải pháp phát triển Du lịch sau đại dịch
Trung tâm Thông tin du lịch