Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

  • Thông tin du lịch
  • >
  • Ngày 14/10/1994: Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 46-CT/TW về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”

Ngày 14/10/1994: Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 46-CT/TW về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”

Những năm đầu thời kỳ mở cửa nền kinh tế, ngành du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Tiếp theo Nghị quyết 45/CP được Chính phủ ban hành tháng 6/1993, đến tháng 10/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”.

Ngày 14/10/1994: Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 46-CT/TW về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”

Các văn bản trên của Đảng, Nhà nước đều có chung đánh giá những năm vừa qua, ngành du lịch đã có những bước tiến, thu hút ngày càng nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam và nhân dân đi du lịch trong và ngoài nước. Du lịch đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, ngành du lịch nước ta còn ở trình độ thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chất lượng dịch vụ còn thấp, hạn chế về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành du lịch còn thiếu thốn, lạc hậu, phân tán. Tài nguyên và môi trường du lịch chưa được tu bổ, tôn tạo, giữ gìn và khai thác hợp lý. Việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong hoạt động du lịch chưa được quan tâm thường xuyên. Các thủ tục tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khách còn phiền hà. Việc quản lý các thành phần kinh tế kinh doanh du lịch theo đúng pháp luật chưa được coi trọng.

Chỉ thị 46 của Ban Bí thư khẳng định lại phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, vì vậy phát triển du lịch là nhiệm vụ và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội. Khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức kinh doanh du lịch dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò chủ đạo.

Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2000 là đổi mới và phát triển các cơ sở và phương thức kinh doanh phục vụ, tạo được các sản phẩm du lịch mang tính dân tộc, kết hợp với tính hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đón khách du lịch và những chỉ tiêu kinh tế, xã hội Nhà nước giao, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ và lành mạnh du lịch Việt Nam vào đầu thế kỷ 21.

Bên cạnh các giải pháp về đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, Ban Bí thư nhấn mạnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác du lịch, đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đảng và các đoàn thể nhân dân trong ngành du lịch.

Đối với ngành du lịch, Ban Bí thư chỉ đạo cần đổi mới quản lý, tổ chức phát triển du lịch theo đúng pháp luật, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng cao và đặc sắc của từng địa phương, từng vùng và cả nước để thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.

Quản lý và phục vụ tốt khách du lịch nước ngoài từ khi vào đến khi ra khỏi nước ta, vừa giảm thủ tục phiền hà để khách an tâm, thoải mái, vừa bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch.

Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ du lịch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên du lịch về trình độ chính trị, nghiệp vụ du lịch và an ninh. Chú trọng giáo dục toàn dân về công tác du lịch để phát huy lòng hiếu khách của dân tộc, tạo môi trường cho du lịch phát triển, làm cho khách du lịch hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ liên ngành để đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch ra nước ngoài, mở rộng thị trường, thu hút khách và vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác du lịch, vai trò, vị trí và hiệu quả nhiều mặt của ngành du lịch.

Ban Bí thư cũng chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này.

Sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển du lịch thông qua việc liên tục ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo đã tạo động lực giúp ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng, ngày càng phát triển và đóng góp tích cực vào xây dựng đất nước trong thời kỳ mới sau khi mở cửa nền kinh tế.

Xem thêm: Hai tour du lịch Việt Nam vào top trải nghiệm tốt nhất thế giới

Trung tâm Thông tin du lịch

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC