Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm trao đổi kinh nghiệm, tìm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, hướng tới các thị trường xuất khẩu…
Quang cảnh hội nghị kết nối giao thương. |
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế phát triển lúa gạo, nông sản, chiếm khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 75% sản lượng nông sản xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong vùng còn nhiều khó khăn, thách thức. Từ đó, Đồng bằng sông Cửu Long mong muốn kết nối giao thương với các địa phương có nền kinh tế tỷ trọng cao như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại hội nghị. |
Qua hoạt động kết nối giao thương tại hội nghị lần này, ông Hà Vũ Sơn mong muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu, phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Gian hàng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau được trưng bày tại hội nghị. |
Tại hội nghị đã diễn ra các hoạt động kết nối, ký kết hợp tác giữa các nhà sản xuất với các thương nhân, nhà phân phối tại các tỉnh, thành phố, kết nối B2B giữa hệ thống phân phối và các nhà cung cấp. Bên cạnh đó là các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố tham gia hội nghị.
Theo Hà Vy Báo Thời đại