Ngày 9/8 vừa qua, tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chủ trì Hội nghị công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 và bàn giải pháp triển khai thực hiện Đề án.
Tham dự Hội nghị, có Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cùng các nhà đầu tư,…
Hơn 1.400 tỷ đồng thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 được tổ chức thực hiện tại 02 phân khu chức năng, có tổng diện tích hơn 1.300ha, gồm phân khu dịch vụ hành chính 743,6ha và một phần phân khu phục hồi sinh thái 574,9ha. Theo đó, hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phân thành 06 khu chức năng gồm: Khu đón tiếp khách; khu du lịch sinh thái; khu vườn sưu tập động thực vật và vườn dược liệu; khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống; khu nghỉ dưỡng; khu trồng cây lưu niệm.
Đồng thời, có tuyến du lịch như: Các tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch (hoạt động bằng các phương tiện: xe máy, ô tô, xe điện, xuồng,…) và các tuyến kết nối các khu, điểm du lịch ở khu vực như: Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong, ngoài tỉnh.
Thời gian thực hiện Đề án trong giai đoạn 2023 – 2030, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, khai thác phát triển du lịch.
UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Công Hoằng – Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Phát triển du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tràm đa dạng phong phú của vùng đất U Minh Hạ. Song song đó, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đảm bảo việc khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái được quản lý theo phương thức chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh”.
Theo ông Ngô Văn Sang – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Long Phú (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng: “Du lịch sinh thái thì mỗi vùng sẽ có lợi thế riêng, nhìn chung đặc thù của Vườn Quốc gia U Minh Hạ có đặc điểm riêng là về vùng đất, khí hậu và một điểm quan trọng là được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nên việc phát triển du lịch sẽ là lợi thế rất lớn”.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch… các nhà đầu tư đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch các phân khu, quản lý diện tích đất rừng, lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch và triển khai lập dự án đầu tư triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, định hướng các sản phẩm tạo đặc trưng riêng có của rừng tràm U Minh Hạ; đặt hàng loại hình, ngành nghề đào tạo đáp ứng phát triển du lịch; tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư Đề án phát triển nhanh, hiệu quả… trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề nghị các Sở, ngành có liên quan quán triệt phương pháp làm việc và triển khai Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đảm bảo nhanh, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ, phải có quy hoạch phân khu cụ thể, đi sâu vào trình tự thủ tục đầu tư để đến cuối năm nay. Đồng thời, triển khai, thống nhất, nhịp nhàng và mang lại hiệu quả cao nhất trong phát triển du lịch”.
“Các Sở, ngành có liên quan quán triệt phương pháp làm việc và triển khai Đề án đảm bảo nhanh, hiệu quả. Đồng thời, rà soát kỹ khi tham mưu lựa chọn phương thức lập quy hoạch phân khu; xúc tiến nhanh, xác định nhà tài trợ, đơn vị tư vấn; có kế hoạch kiểm soát công việc triển khai thực hiện trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị.
Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 được triển khai nhằm đảm bảo việc khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái được quản lý theo phương thức chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng, hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, góp phần phát triển du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tràm đa dạng, phong phú của vùng đất U Minh Hạ; phát triển kinh tế địa phương, tạo các hoạt động sinh kế thông qua việc khai thác cơ hội từ du lịch sinh thái cho cư dân địa phương,…
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030. Đặc biệt, đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn hệ sinh thái đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) là một trong 34 Vườn Quốc gia của toàn quốc, được Tổ chức UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Trong hơn 8.500 ha Vườn Quốc gia U Minh Hạ quản lý, còn khoảng 1.761 ha là rừng nguyên sinh còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài lưỡng cư, bò sát.
Đồng thời, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đánh giá được hiện trạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, danh thắng cảnh và di tích lịch sử để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch; xây dựng các tuyến, các điểm du lịch sinh thái, lịch sử phù hợp với tiềm năng sẵn có và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và các tuyến, điểm du lịch; xây dựng các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; lập phương án, giải pháp quảng bá du lịch, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng du lịch.
Theo Đề án, xây dựng với nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng nhưng nguồn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm phần nhỏ (hơn 52 tỷ đồng), còn lại từ nguồn vận động xã hội hoá để làm du lịch. Thời gian thực hiện đề án từ nay đến năm 2030./.
Xem thêm: Khởi sắc trên đất rừng Cà Mau
Trọng Nghĩa – Lê Diễm baophapluat.vn thực hiện