Vào lúc 8 giờ ngày 30 tháng 9 năm 2021, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) phối hợp với Khoa Du lịch trường Trường Đại học Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn Phát triển Du lịch Nông nghiệp Cà Mau bằng hình thức trực tuyến (online) qua nền tảng Zoom.

Lớp tập huấn diễn ra trong vòng 2 ngày (từ ngày 30/9/2021 đến ngày 01/10/2021) với sự tham gia của hơn 40 học viên là cán bộ và cá nhân đến từ các điểm đến du lịch, các Vườn Quốc gia, các công ty lữ hành, các hợp tác xã nông nghiệp, các các huyện và thành phố Cà Mau.

Như chúng ta đã biết, Cà Mau với lợi thế là vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu cực Nam của Tổ Quốc đã được thiên nhiên ban tặng cho 2 Vườn Quốc Gia là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ với sự đa dạng về hệ động thực vật. Bên cạnh đó Cà Mau còn có những thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Đầm Thị Tường, bãi biển Khai Long,… Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có đã hình thành nên những những nét văn hoá và tính cách của con người Cà Mau chân phương, mộc mạc và mến khách. Đến với Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch biển đảo,… Đặc biệt, như một đặc thù phát triển về nông nghiệp của hai hệ sinh thái ngập ngọt và ngập mặn hình ảnh cây đước, cây tràm, cây lúa, con tôm, con cua, con cá… đã đan xen vào trong hoạt động sản xuất cũng như trong tâm thức của người dân Cà Mau qua bao đời bao thế hệ. Việc phát triển du lịch nông nghiệp sẽ là một trong những điều kiện cần thiết để góp phần khuyến khích xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên và lợi thế sẵn có của địa phương.

Mặc dù trong năm 2021 cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19 nhưng trước sự ủng hộ và quan tâm của chính quyền địa phương, Cà Mau vẫn tập trung cho việc xây dựng và khuyến khích các sản phẩm du lịch cho địa phương thông qua những chương trình kích cầu, những khóa tập huấn bồi dưỡng về du lịch trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Trong 2 ngày làm việc các học viên sẽ được các giảng viên và chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp chia sẻ những nội dung như Sản phâm du lịch (Tiến sĩ Huỳnh Văn Đà); Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp (Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh Lê Thị Tố Quyên); Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp (Tiến sĩ Ngô Thanh Loan); Thương hiệu du lịch nông nghiệp (Tiến sĩ: Nguyễn Thị Bé Ba). Hứa hẹn sẽ đem đến cho học viên những bài học thật bổ ích. Sau khoá học hy vọng các học viên sẽ có thể vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn phát triển du lịch của địa phương.
Dương Kim Chuyển