Tin tức chung

Home » Tin tức » TOP 10 HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA iPEC TRONG NĂM 2022 – KỲ CUỐI

TOP 10 HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA iPEC TRONG NĂM 2022 – KỲ CUỐI

Ở hai kỳ trước 7 trong 10 hoạt động nổi bật của iPEC trong năm 2022 đã được gới thiệu. Tiếp theo, 3 hoạt động nổi bật còn lại – là những sự kiện rất ấn tượng thuộc Chuỗi sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ nhất.           

8. Lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi Cua Cà Mau lớn nhất: Cua Sumo (Sumo Crab)

Cuộc thi Cua Cà Mau lớn nhất – Cua Sumo (Sumo Crab) chỉ trao một giải duy nhất – giải Nhất với danh hiệu Cua Cà Mau lớn nhất, bằng khen, kỷ niệm chương và tiền thưởng 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng). Cuộc thi được tổ chức với mục đích: (i) Tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị đối với đặc sản “Cua Cà Mau”, hay nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn Cà Mau. (ii) Tôn vinh điều kiện tự nhiên của Cà Mau thuận lợi cho cua sinh sản, sinh trưởng và phát triển. (iii) Tạo sân chơi vui tươi, giao lưu, hơp tác và đoàn kết; góp phần tạo động lực bảo tồn nguồn gen và giống cua quý tại địa phương.    

Cuộc thi Cua Cà Mau lớn nhất cua sumo (Sumo Crab) đã thu hút khoảng 50 đội là các cá nhân, hộ dân, doanh nghiệp nuôi cua trên địa bàn tỉnh Cà Mau đăng ký tham gia. Tại Cuộc thi chú cua tên Bình Dư mang Mã số 11 của Công ty Dư Thái Bình tại ấp Kênh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn đã dành chiến thắng và đạt danh hiệu Cua Sumo năm 2022 với trọng lượng đạt 1451,7 gram.

Do thể lệ Cuộc thi chỉ trao một giải duy nhất nên thật đáng tiếc cho nhiều chú cua dự thi khác với khối lượng khá khủng nhưng chưa được vinh danh. Nhiều thí sinh hy vọng rằng kỳ thi sau sẽ có nhiều giải thưởng hơn và có giải riêng cho các “Chú cua” và “Cô cua”.   

Hình 1. Cuộc thi Cua Cà Mau lớn nhất cua sumo (Sumo Crab) thu hút đông đảo cá nhân, hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau tham gia, Chú cua Bình Dư mang Mã số 11 đến từ huyện Năm Căn đã đạt danh hiệu Cua Sumo năm 2022 với trọng lượng đạt 1451,7 gram

9. Diễn giả, khách mời người nước ngoài chia sẻ giải pháp phát triển du lịch Cà Mau

Diễn đàn “Giải pháp kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch đến Cà Mau” được iPEC chủ trì thực hiện với sự tham gia của các đại biểu trong và ngoài nước thuộc các cơ quan, đơn vị: Điểm du lịch Vườn trái cây Vàm Xáng Rustic Cần Thơ; Công ty Du lịch lữ hành Fabulous Mekong Ecotour Cần Thơ; Công ty lữ hành Bến Thành Tourist; Viện nghiên cứu, phát triển du lịch ĐBSCL; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau; Cơ sở lưu trú, du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Tại Diễn đàn, nhiều diễn giả, khách mời đã chia sẻ nhiều giải pháp thiết thực như: “Muốn giữ chân khách du lịch, Cà Mau cần phải mở những tuyến đường nhằm rút ngắn thời gian di chuyển giữa các điểm đến du lịch trong tỉnh để khách tham quan nhiều địa điểm hơn. Ngoài ra, Cà Mau cần có những hoạt động về đêm để khách du lịch có thể sử dụng thời gian trải nghiệm văn hóa bản địa, đặc sắc của địa phương nhiều hơn. Cần có điểm kết nối chuyển giao giữa Đất Mũi và các vùng khác và đặc biệt là tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch so với các vùng khác” – Ông Duane Matsen – Cố vấn cấp cao của Công ty Du lịch lữ hành Fabulous Mekong Ecotour Cần Thơ. “Cà Mau cần có 4 yếu tố giữ khách du lịch, đó là cơ sở du lịch đầu tư có chất lượng; đón tiếp ân cần, chu đáo; thức ăn ngon, trái cây sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; và giá cả phải chăng. Khi khách hài lòng sẽ ở lại lâu và quay lại nhiều lần” – Ông Trần Văn Liền – Giám đốc Khu Du lịch Vàm Xáng Rustic Cần Thơ. Ngoài ra nhiều giải pháp như: Tỉnh cần quy hoạch các khu kinh tế ban đêm, cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí cho du khách tại thành phố Cà Mau và một số khu trung tâm của các huyện. Song song đó, phải thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật ban đêm như đờn ca tài tử, nghệ thuật múa truyền thống của dân tộc Khmer … Bên cạnh đó, tại khu vực rừng tràm U Minh cần phải có cơ sở lưu trú tốt hơn cho du khách ở lại và tham gia các hoạt động trải nghiệm như gác kèo ong, câu cá…

Hình 2. Diễn giả, khách mời người nước ngoài “hiến kế” phát triển du lịch Cà Mau tại Diễn đàn “Giải pháp kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch đến Cà Mau”

10. Cuộc thi Vua đầu bếp Cua, xác lập Kỷ lục Chế biến 69 món từ Cua.

Cuộc thi ẩm thực Vua đầu bếp cua (Master Crab Chef), kết hợp xác lập kỷ lục 69 món chế biến từ Cua Cà Mau đã thu hút được 15 đội thi ẩm thực với sự tham gia của các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ các nhà hàng, khách sạn, nhóm nấu từ thành phố Hồ Chí Minh (03 nhà hàng), thành phố Cần Thơ (01 nhà hàng), tỉnh Sóc Trăng (02 nhà hàng), tỉnh Bạc Liêu (01 nhà hàng) và tỉnh Cà Mau (08 nhóm nấu và nhà hàng). Ngoài các món ăn đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hoá ẩm địa phương thông qua nghệ thuật trang trí, trưng bày các món ăn đã để lại nhiều ấn tượng cho người dân và du khách.

Cuộc thi ẩm thực Vua đầu bếp Cua (Master Crab Chef) năm 2022 đãtrao các giải thưởng cho các đội thi: Giải Nhất thuộc về Nhà hàng Hoàng Hôn Đất Mũi. Giải Nhì thuộc về Nhà hàng Ẩm thực Cua Thứ thiệt và Đặc sản 3 miền. Giải Ba được trao cho hai đội thi CanTho Eco Resort và Nhà hàng Ẩm thực Lẩu và Nướng – KTC. Sau 4 giờ tập trung thực hiện các đầu bếp đã hoàn thành 89 món được chế biến từ cua Cà Mau, từ đó, lựa chọn và xác lập kỷ lục 69 món chế biến từ Cua Cà Mau.

Hình 3. Cuộc thi ẩm thực Vua đầu bếp cua – Master Crab Chef (kết hợp xác lập kỷ lục 69 món chế biến từ Cua Cà Mau) dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng rất thành công và thu hút sự quan tâm từ cộng động.

Trên đây chỉ là những hoạt động bổi bật nhất trong các hoạt động nổi bật của iPEC trong năm vừa qua đối với các lĩnh vực xúc tiến thương mại, du lịch và hỗ trợ khởi nghiệp. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các hoạt động xúc tiến, tư vấn, hỗ trợ sẽ thực hiện theo chiều sâu, có chất lượng, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như bám sát mục tiêu phát triển của tỉnh.

Phúc Ngươn

TIN TỨC LIÊN QUAN