Tin tức chung

Home » Tin tức » TỈNH CÀ MAU TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

TỈNH CÀ MAU TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

Hoạt động gặp gỡ, trao đổi thông tin với doanh nghiệp (hay Chương trình cà phê doanh nghiệp) đã được Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần. Hoạt động này thể hiện sự gần gũi của chính quyền địa phương và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh Cà Mau tích cực thực hiện các hoạt động khác bao gồm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) và khảo sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tìm ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Thực hiện ý kiến kết luận của Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau tại Hội nghị bàn giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và ý kiến chỉ đạo của Văn phòng UBND tỉnh, ngày 19/6/2023 Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) đã phát hành phiếu đăng ký trực tuyến và phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, UBND các huyện và thành phố Cà Mau triển khai công tác rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và doanh nghiệp; qua đó tỉnh có thể hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh.

Hoạt động gặp gỡ, trao đổi thông tin với doanh nghiệp (một nội dung thuộc Chương trình cà phê kết nối doanh nghiệp) đã được Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau thực hiện và tiếp tục thực hiện định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần (Ảnh: Xuân Anh)

Sáng thứ Bảy ngày 24/6/2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đã có buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với một số doanh nghiệp (với lĩnh vực hoạt động như chế biến và xuất khẩu thủy sản, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, kinh doanh xăng dầu,…). Các khó khăn của doanh nghiệp đăng ký tháo gỡ bao gồm thuộc các lĩnh vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nâng cấp tải trọng lộ giao thông, hạ tầng hệ thống điện phục vụ sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi,… Kèm theo đó là các đề xuất liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo chuyển đổi nghề nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, hoàn thiện hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Tham dự buổi gặp gỡ, còn có đại diện lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Cà Mau, Công ty Điện lực Cà Mau và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng nhau thảo luận trao đổi các nội dung liên quan.

Việc gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên, định kỳ vào sáng thứ Bảy hàng tuần, theo đó iPEC đã phát hành phiếu đăng ký trực tuyến tại địa chỉ http://tiny.cc/ipec2023. Quý doanh nghiệp (bao gồm nhà đầu tư dự định thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau) chỉ cần truy cập liên kết và điền thông tin (hoặc quét mã QR tại ảnh bên dưới) để đăng ký gặp gỡ, trao đổi thông tin cùng Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau. Địa điểm gặp gỡ là tại Không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau (Không gian làm việc chung cho tổ chức, cá nhân khởi nghiệp và trưng bày sản phẩm đặc trưng tỉnh Cà Mau – Số 28 Phan Ngọc Hiển, Phường 2, thành phố Cà Mau).

Doanh nghiệp quét mã QR để điền thông tin đăng ký gặp gỡ, trao đổi thông tin cùng Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau tại Không gian khởi nghiệp Cà Mau (Số 28 Phan Ngọc Hiển, Phường 2, TP Cà Mau)

Cùng với hoạt động gặp gỡ nêu trên, iPEC lựa chọn đơn vị tư vấn đủ kinh nghiệm và năng lực để thực hiện các hoạt động đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) và khảo sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023. Chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với mục đích đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ban ngành và huyện thị, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương, đề từ đó có thể có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Kết quả khảo sát, đánh giá là một trong những kênh hữu ích để thu thập các đề xuất, kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp trong việc cải cách quy trình thực hiện thủ tục hành chính, hoặc các ý tưởng cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. iPEC – đơn vị chủ trì thực hiện các hoạt động kháo sát, đánh giá – có yêu cầu đơn vị tư vấn chú trọng công tác thu thập thông tin chuẩn xác, phân tích kỹ dữ liệu và nghiên cứu sâu kết quả để có thể đề xuất các giải pháp thực tế, khả thi và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng của bộ chỉ số và công tác đánh giá.

Chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với mục đích đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ban ngành và huyện thị, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Rõ ràng với các hoạt động gặp gỡ, trao đổi thông tin định kỳ giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và doanh nghiệp, đánh giá hoạt động điều hành kinh tế của Sở, ban, ngành, địa phương cấp huyện, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp… nhằm mục đích chung là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Theo đó; sau mỗi cuộc gặp gỡ, hy vọng sở ban ngành và chính quyền địa phương sớm giải đáp các vướng mặc và có thể tháo gỡ được các khó khăn cho doanh nghiệp. Khi đạt được kết quả như vậy,  hoạt động gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo UBND tỉnh và doanh nghiệp sẽ được lan tỏa; môi trường sản xuất kinh doanh tại Cà Mau được thuận lợi hơn và năng lực cạnh tranh của tỉnh Cà Mau chắc chắn gia tăng. Đồng thời các ngành chức năng cần phải nghiên cứu và đề xuất tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho doanh nghiệp địa phương thuận lợi hơn trong đầu tư, sản xuất và thương mại các ngành và lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, khai thác dịch vụ môi trường rừng và kinh tế biển./.

Phúc Ngươn

TIN TỨC LIÊN QUAN