Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau và trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2016 ước đạt 480.000 tấn (kế hoạch 530.000 tấn), bằng 90,6% kế hoạch, giảm 4% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng tôm ước đạt 156.000 tấn, bằng 83,6% kế hoạch, giảm 3,3% so với năm 2015.

Sản xuất thủy sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh nhà, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, góp phần đem lại cho tỉnh mỗi năm hàng trăm triệu đô la, đưa Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất nước, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho nước nhà.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 297.200 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 266.000 ha. Đến cuối tháng 11/2016, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 9.587 ha (kế hoạch đến cuối năm 2016 đạt 11.000 ha), tăng 3,3% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích đang thả nuôi chiếm 40% (có 175 ha nuôi ứng dụng quy trình công nghệ cao); diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 90.552 ha (kế hoạch đến cuối năm 2016 đạt 90.000 ha), tăng 16% so cùng kỳ, năng suất bình quân đạt trên 500 kg/ha/năm; tôm nuôi quảng canh truyền thống phát triển ổn định, diện tích đang nuôi đạt 95% diện tích, năng suất bình quân từ 250 – 300 kg/ha/năm; nuôi xen canh giữa tôm quảng canh truyền thống với cua, sò huyết khá hiệu quả.

Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 19.803 ha. Trong đó, chủ yếu là cá lóc, cá rô, cá bổi… Đây là những loài thủy sản truyền thống của địa phương. Tập trung nhiều ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước và thành phố Cà Mau

Ngoài ra, phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo quy mô trang trại, hộ gia đình và đã đem lại kết quả cao. Chủng loại nuôi thủy sản rất đa dạng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, hàu lồng, sò huyết, nghêu, vọp, ốc len, cá chình, bống tượng, ba ba, cá nước ngọt…

Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với 254 km bờ biển, có ngư trường rộng trên 100.000 km2, có nhiều nguồn lợi thủy sản nên nghề khai thác thủy sản trên biển rất phát triển. Tỉnh Cà Mau có 4.563 phương tiện khai thác biển, với tổng công suất 581.099 CV. Trong đó, có 3.256 phương tiện có công suất từ 20 CV trở lên. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản có nhiều tiến bộ, các nghề, các phương thức khai thác gây sát hại nguồn lợi thủy sản từng bước được kiểm soát và hạn chế; công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép hoạt động tàu cá được triển khai khá đồng bộ; việc tái tạo nguồn lợi như: thả tôm, cá giống ra biển được tiến hành theo định kỳ.

Để khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, tỉnh Cà Mau đã đầu tư nhiều tàu thuyền và được trang bị các thiết bị hiện đại như máy định vị, tầm ngư… Cơ sở hạ tầng cho nghề khai thác biển được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng như Cảng cá Cà Mau, Cảng cá sông Ông Đốc, Cảng cá Hòn Khoai và nhiều khu neo đậu đậu, trú bão cho các tàu thuyền.

Để phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị và nâng cấp nhà xưởng. Tổng công suất thiết kế đạt trên 150.000 tấn thành phẩm/năm. Hiện nay, công nghệ chế biến thủy sản ở Cà Mau đã ngang tầm với nhiều quốc gia trên thế giới. Các mặt hàng chế biến ngày đa dạng, phong phú, chất lượng không ngừng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc và EU… Năm 2016, Cà Mau có 34 nhà máy chế biến thủy sản, công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 01 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, giải quyết việc làm cho 300.000 người.

Tiến độ thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản: Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 85 tàu đủ điều kiện đóng mới và nâng cấp 04 tàu, các ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay đóng mới 23 tàu và nâng cấp 02 tàu; đã giải ngân 161,056/210,265 tỷ đồng; đang đóng 11 tàu, đã hạ thủy và đưa vào hoạt động 14 tàu. Hỗ trợ phí bảo hiểm cho 7.018 thuyền viên, với 2,1 tỷ đồng; hỗ trợ phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ 139 tàu, với 4,387 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cho 107 trường hợp (58 tàu), với 4,32 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang thực hiện nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án chế biến thủy sản, thu mua nguyên liệu, sản xuất chả cá, cá khô, nước mắm, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nguồn: camau.gov.vn