HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.
  • Tin tức thương mại
  • >
  • Thương mại điện tử và chuyển đổi số – Giải pháp tối ưu trong xúc tiến thương mại

Thương mại điện tử và chuyển đổi số – Giải pháp tối ưu trong xúc tiến thương mại

Các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh đó, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử là hướng đi tất yếu. Theo đó, chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống, trực tiếp sang xúc tiến thương mại điện tử, trực tuyến là giải pháp cần thiết được cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như không ít doanh nghiệp thực hiện nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu, tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá. Vì vậy, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và chính bản thân doanh nghiệp thời gian tới cần phải có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, địa phương và quốc gia. 

1. Xúc tiến thương mại điện tử

Xúc tiến thương mại điện tử (XTTM điện tử) được hiểu là cách thức các doanh nghiệp, thương nhân sử dụng internet, các mạng viễn thông, phần mềm, website, ứng dụng và các thiết bị điện tử để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để đạt được mục đích cuối cùng là phân phối được sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ đến thị trường mục tiêu.

Thương mại điện tử và chuyển đổi số – Xu hướng tất yếu trong xúc tiến thương mại (ảnh minh họa) 

Về hình thức, XTTM điện tử là phương thức giao dịch thương mại hoàn toàn qua mạng, chủ yếu sử dụng các thiết bị điện tử và môi trường mạng để truyền dữ liệu. Con người chỉ đóng vai trò điều khiển và tạo ra nội dung, trong khi các hoạt động truyền thông sử dụng mạng kết nối và phương tiện điện tử. Thông qua mạng internet, các bên tham gia vào giao dịch không cần phải gặp gỡ nhau trực tiếp mà vẫn có thể đàm phán, giao dịch được với nhau.

Về phạm vi hoạt động, thị trường trong hoạt động XTTM điện tử là thị trường phi biên giới, không giới hạn về địa lý và lãnh thổ. Thương nhân, doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia khắp thế giới không phải di chuyển đến bất cứ địa điểm nào mà vẫn có thể thực hiện hoạt động truyền tin hoặc tiếp nhận thông tin khi có kết nối internet. Hoạt động xúc tiến sẽ không còn bị bó hẹp trong một không gian địa lý nhất định.

Về chủ thể tham gia, trong hoạt động XTTM điện tử phải có ít nhất ba chủ thể tham gia. Chủ thể thứ nhất và thứ hai tuần tự là bên thực hiện hoạt động xúc tiến (cung cấp hàng hóa) và chủ thể được hướng tới (tiêu thụ hàng hóa). Chủ thể thứ ba là bên cung cấp các dịch vụ, công cụ trực tuyến, tạo môi trường cho việc chuyển tải thông điệp giữa hai bên còn lại. Các chủ thể thứ ba chính là các đơn vị cung cấp hạ tầng mạng, các nhà cung cấp tên miền website, sàn giao dịch TMĐT, server gửi email…

Về thời gian hoạt động, XTTM điện tử, trực tuyến có thể diễn ra một cách linh hoạt, không bị giới hạn về thời gian. Đa số phương tiện, hạ tầng XTTM điện tử có khả năng hoạt động 24/7, sẵn sàng phục vụ truyền tin và giao dịch.

2. Vai trò của XTTM điện tử đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

– Giúp doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới. Hiện nay, thế giới không ngừng ứng dụng những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh trực tuyến thì không ít doanh nghiệp Việt Nam tại nhiều địa phương còn chần chừ, lo ngại. Chính vì “ngại đổi mới” mà nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã không trụ vững và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Điều này cản trở không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, của địa phương và quốc gia nói chung. Để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, doanh nghiệp cần phải thay đổi từ phương thức kinh doanh truyền thống, sang thương mại điện tử; thay đổi từ XTTM trực tiếp sang đẩy mạnh hoạt động XTTM điện tử, trực tuyến.

– Giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm cách thức truyền thông, quảng bá để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và mục đích sau cùng là nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh, tạo lợi thế trong giao dịch, phân phối hàng hóa. Ngày nay, khi các hình thức truyền thông truyền thống như báo giấy, truyền hình, phát thanh đã dần mất đi vị thế thì truyền thông online, marketing trực tuyến trên mạng internet giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Dễ dàng nhận thấy truyền thông online là một trong những biểu hiện của việc đẩy mạnh XTTM điện tử. Doanh nghiệp nào biết tận dụng tối đa những lợi thế mà truyền thông online mang lại, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ trụ vững hơn, thành công hơn, phát triển hơn trong cuộc chiến kinh doanh vốn đã khốc liệt nay càng khốc liệt hơn.

– Giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi và đối tượng khách hàng. Khách hàng của doanh ngiệp không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tỉnh thành, khu vực hay một quốc gia mà được mở rộng trên phạm vi toàn thế giới. Điều mà các doanh nghiệp cần làm lúc này đó là biết cách tự kết nối, tương tác, truyển tải đúng, đủ và nhanh nhất mọi thông điệp của mình tới khách hàng thông qua các công cụ xúc tiến thương mại điện tử.

3. Nhiều hoạt động XTTM điện tử đã được triển khai

Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ trong công tác XTTM đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như tổ chức các hoạt động XTTM trực tuyến (hội nghị quốc tế trực tuyến, hội chợ công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến,…); bắt đầu triển khai xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác XTTM (bao gồm Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ); Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (itrace247.com); Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (vietnam.tradeportal.org); Nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến (E-learning).

Bên cạnh các hoạt động XTTM truyền thống, Bộ Công Thương và hệ thống các cơ quan XTTM cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số để đổi mới, nâng cao hiệu quả XTTM, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối khách hàng, duy trì và phát triển kênh phân phối thị trường trong nước, củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu với chi phí thấp hơn. Cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thông qua các kênh thương mại điện tử, Cục XTTM đã triển khai Chương trình hợp tác với Tập đoàn Alibaba thông qua Sàn TMĐT alibaba.com theo phương thức B2B và Tập đoàn Amazon thông qua sàn TMĐT amazon.com theo phương thức B2C. Trong năm 2021, nhiều hội chợ, hội nghị, tập huấn trực tuyến đã được trung ương và các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để thích ứng với xu thế và tác động do đại dịch.

Nhiều chương trình hợp tác đã được cơ quan chức năng ký kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường xuất khẩu (Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương). 

4. Một số giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại điện tử

 Triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030”, đặc biệt đối với các nền tảng CNTT áp dụng vào hoạt động XTTM (như nêu ở trên) nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động XTTM trong tình hình mới, mặt khác giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

– Ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới. Đồng thời, triển khai đa dạng các hình thức XTTM một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, khách hàng mục tiêu.

 Phối kết hợp, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hoạt động XTTM từ trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tổ chức các hoạt động XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

–  Triển khai các hoạt động hỗ trợ quy định tại Điều 9 Thông tư số 40/2020/TT-BCT ngày 15/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương về tổ chức, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng. Bao gồm: (i) Xây dựng khu vực trưng bày, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên sàn giao dịch TMĐT được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí để duy trì tư cách thành viên cơ bản cho tài khoản của đơn vị tham gia tối đa 12 tháng; để duy trì tư cách thành viên đặc biệt cho đơn vị chủ trì tối đa 12 tháng để khai thác thông tin khách hàng cung cấp cho đơn vị tham gia; để thiết kế nhận diện chung gian hàng của các đơn vị tham gia. (ii) Khi tham gia gian hàng của các hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng trực tuyến, quảng bá, tổ chức giới thiệu thông tin về gian hàng của Việt Nam; xây dựng hình ảnh, video, số hóa các sản phẩm trưng bày của đơn vị tham gia… (iii) Đối với doanh nghiệp tổ chức hội chợ, triển lãm trên môi trường mạng, sẽ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện các nội dung, quảng bá, tổ chức giới thiệu thông tin về hội chợ, triển lãm; kinh phí mời đơn vị tham gia, giao dịch; kinh phí thuê nền tảng trực tuyến tổ chức hội chợ, triển lãm.

– Về phía doanh nghiệp, để tham gia hoạt động XTTM trực tuyến có hiệu quả, cần phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp; tích cực nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi số sớm như xây dựng website TMĐT bán hàng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp; tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trong nước và trên thế giới. 

Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên môi trường mạng (bao gồm 3D thực tế ảo,… ) đang được khuyến kích và hỗ trợ (Ảnh: VnExpress) 

– Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tuy nguồn lực còn hạn chế nhưng lại có lợi thế nhất định. Với quy mô nhỏ, các SME chuyển đổi số sẽ dễ dàng hơn so với doanh nghiệp lớn. Yếu tố cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ. Vấn đề quan trọng với doanh nghiệp SME vẫn là vốn, dòng vốn. Hầu hết các doanh nghiệp đang khá vất vả khi tìm nguồn vốn vay từ phía ngân hàng do quy mô nhỏ và biến cố COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có lãi. Nguồn lực tài chính hạn chế chính là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp triển khai các hoạt động XTTM, nên rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, chính quyền địa phương thông qua những cơ chế chính sách về tài chính, tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Xem thêm: Cà Mau tăng cường xúc tiến thương mại với Tập đoàn Central Retail

Phúc Ngươn iPEC thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC