TMĐT Việt Nam và tình hình phát triển, ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT), hay còn gọi là E-commerce (EC) không còn là khái niệm xa lạ hay một lĩnh vực mới mẻ. TMĐT được hiểu là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như internet, mạng máy tính, mạng viễn thông. TMĐT là tổng hợp một số hoạt động như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), giao dịch trực tuyến, quản lý hàng tồn kho và doanh thu, tự động thu thập dữ liệu.
Thị trường TMĐT Việt Nam phát triển nhanh chóng bất chấp đại dịch. So với thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng TMĐT khá mạnh. Tốc độ phát triển TMĐT toàn cầu là 16,2% vào năm 2021 và dự báo tăng lên 24,5% vào năm 2025. Chỉ số này của Việt Nam vào năm 2021 là hơn 20%, với quy mô 16 tỷ USD. Đến năm 2025, tốc độ phát triển của TMĐT Việt Nam dự kiến bức phá lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD [1]. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường TMĐT lớn thứ 2, xếp sau Indonesia. Mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng TMĐT và kinh tế số trong nền kinh tế Việt Nam là 20% GDP, trong đó tỉ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ lớn hơn 10%[2]. Tính đến đầu tháng 9/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương đã xác nhận thông báo và cấp phép cho 43.781 website TMĐT bán hàng; 421 ứng dụng (app) TMĐT bán hàng; 1.179 website cung cấp dịch vụ TMĐT; 253 ứng dụng (app) cung cấp dịch vụ TMĐT[3]. Với những số liệu thống kê trên, TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cùng với sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp và tập đoàn thương mại.
TMĐT là phương thức kinh doanh không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân trong việc thương mại, phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ. So với phương thức kinh doanh truyền thống, TMĐT mang lại nhiều lợi thế và lợi ích cho cho hoạt động kinh doanh. Cụ thể như (i) khắc phục hạn chế về địa lý; (ii) mở rộng tập khách hàng nhờ vào các công cụ tìm kiếm; (iii) chi phí hợp lý – giảm thiểu chi phí so với cửa hàng truyền thống; (iv) dễ dàng kích hoạt các chương trình giảm giá, chiến dịch quảng cáo, maketing; (v) dễ dàng chăm sóc và giữ liên lạc với khách hàng; (vi) luôn mở cửa phục vụ 24/7; (vii) linh hoạt trong việc mở rộng quy mô.
Theo thời gian, đa dạng ngành hàng được trưng bày và giao dịch TMĐT, từ thiết bị điện tử, thời trang và sản phẩmlàm đẹp đến nông sản thực phẩm. Các ngành hàng phổ biến được giao dịch TMĐT đối với thị trường Việt Nam trong năm 2020 bao gồm ngành lưu trú và du lịch, thời trang và làm đẹp, thiết bị điện tử, thực phẩm và vật dụng cá nhân, đồ nội thất và vật dụng gia đình[4]. Tỉ trọng doanh thu của các ngành hàng nêu trên có sự thay đổi đáng kể trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các ngành hàng được dự báo sẽ giao dịch TMĐT tốt trong năm 2022 bao gồm mỹ phẩm, thời trang, thiết bị điện gia dụng, hàng hóa cho mẹ và bé, bách hoá online, thiết bị công nghệ[5] (Hình 1). Thông qua khảo sát, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp và thu nhập là yếu tố quan trọng đến hành vi TMĐT. Khách hàng TMĐT chủ yếu là nữ nhân viên văn phòng có thu nhập cao và đã kết hôn (Hình 2). Đặc biệt, độ tuổi mua sắm trực tuyến ngày càng mở rộng sang độ tuổi 35 – 45, so với trước đây là giới trẻ.


TMĐT trên địa bàn tỉnh Cà Mau được đánh giá có sự gia tăng đáng kể, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với trung bình chung của cả nước. Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), chỉ số TMĐT của Cà Mau năm 2022 với 12,3 điểm[7], tăng mạnh so với năm 2021 (với 4,7 điểm). Chỉ số này được đánh giá dựa trên 3 yếu tố thành phần là (i) nguồn lực và hạ tầng công nghệ thông tin, (ii) giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng và (iii) giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có đầu tư nguồn lực cho việc xây dựng website doanh nghiệp và tham gia các sàn TMĐT lớn. Tuy nhiên việc vận hành, khai thác TMĐT còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tỉnh Cà Mau cũng là một trong 44 tỉnh thành trong cả nước có xây dựng và vận hành sàn TMĐT để trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.
Mục tiêu phát triển TMĐT tỉnh Cà Mau đến năm 2025 là có hơn 30% dân số tham gia mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; có ít nhất 350 thương nhân trên địa bàn tỉnh tham gia Sàn TMĐT Cà Mau[8],… Sàn TMĐT Cà Mau với tên miền madeincamau.com (do iPEC quản lý và vận hành) được xây dựng với cam kết đảm bảo chất lượng đồng hành cùng xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ. Sàn Madeincamau vừa là nền tảng bán hàng vừa là công cụ để quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa, đặc sản Cà Mau. Theo đó, không chỉ có sản phẩm nông nghiệp mà sản phẩm, hàng hóa phi nông nghiệp được hỗ trợ để trưng bày, quảng bá, tiêu thụ và kết nối phân phối đến khắp mọi miền tổ quốc. Sàn Madeincamau được kết hợp tính năng giữa một trang kết nối cung cầu và một sàn giao dịch TMĐT với mô hình kinh doanh thương mại mở và minh bạch, bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của tất cả thành viên.
Các hình thức TMĐT phổ biến
Các hoạt động TMĐT phổ biến hiện nay bao gồm kinh doanh trên website doanh nghiệp (trang TMĐT bán hàng), kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok, Instagram…), và tham gia các sàn TMĐT và ứng dụng trên nền tảng di động.
Các sàn TMĐT nổi bật nhất tại Việt Nam. Thống kê từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022 cho thấy Shopee chiếm thị phần lớn nhất thị trường TMĐT Việt Nam với doanh số lên tới 43.118 tỷ đồng, chiếm 72% thị phần. Lazada đứng thứ 2 với thị phần 20,9%, tương ứng 12.539 tỷ đồng[9]. Dù xếp ngay sau nhưng Tiki và Sendo có thị phần thấp hơn nhiều. Ngoài các sàn TMĐT top đầu nêu trên, sàn TMĐT voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và postmart.vn của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam đang được đầu tư, phát triển để hỗ trợ đưa hộ sản suất nông nghiệp, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, kết nối tiêu thụ nhờ vào hệ thống vận chuyển, logistic được xây dựng rộng khắp mọi miền đất nước.
Shopee được biết là ứng dụng mua sắm trực tuyến và sàn TMĐT có trụ sở tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA. Hiện nay Shopee đã có mặt tại 8 quốc gia: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Brazil. Sàn TMĐT Shopee được cộng đồng người bán hàng đánh giá là dễ dàng tiếp cận do có nhiều điểm thuận lợi cho doanh nghiệp và thương nhân khởi sự kinh doanh. Cụ thể như sau: (i) có quy trình mở gian hàng đơn giản, nhanh chóng chỉ cần xác minh email, số điện thoại; (ii) giao diện dễ sử dụng, trực quan nên dễ thao tác; (iii) có nhiều chiến dịch marketing, chương trình khuyến mãi giúp kích cầu mua sắm; (iv) lượng lớn người dùng có độ tuổi trẻ nên khả năng quyết định và chốt đơn nhanh; (v) có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phí vận chuyển; (vi) liên kết với nhiều đơn vị vận chuyển lớn, uy tín[10]; (vii) có dịch vụ lưu sản phẩm tại kho của Sàn, sàn phụ trách bán hàng, đóng gói và giao hàng cho khách. Bên cạnh đó, Shoppe được đánh giá có một số khó khăn và hạn chế khi tham gia bán hàng là mức độ cạnh tranh rất cao do số lượng người bán trên sàn này rất lớn; Shopee chưa kiểm soát được giá bán sản phẩm (có rất nhiều gian hàng bán phá giá), chưa kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm (hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan) làm cho khách hàng mất niềm tin vào sàn TMĐT này và giảm uy tín của người bán; Điều kiện để được trợ giá vận chuyển khá cao gây bất lợi cho các gian hàng bán các mặt hàng có giá trị thấp.
Sàn TMĐT Lazada ra mắt tại Việt Nam vào năm 2012 và dần thành công trong việc xây dựng thương hiệu trên các nền tảng truyền thông và sở hữu lượng người dùng ổn định và tăng dần qua các năm. Lazada trực thuộc tập đoàn Alibaba. Lazada hoạt động rất thành công tại các quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Thế mạnh của sàn TMĐT Lazada bao gồm (i) hàng hóa được chia thành phân khúc với sự yên tâm tuyệt đối khi mua hàng chính hãng trên Laz Mall; (ii) hoa hồng cho người bán khá cao với sản phẩm thời trang là 10%, 5% với sản phẩm công nghệ và 8% với sản phẩm thuộc ngành hàng khác; (iii) hoạt động marketing đa dạng với nhiều chiến dịch thu hút, hấp dẫn; (iv) dịch vụ khách hàng tốt, nhiều chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng9; (v) có thêm dịch vụ lưu sản phẩm tại kho của Sàn, sàn phụ trách bán hàng, đóng gói và giao hàng cho khách tương tự như Shopee. Bên cạnh các ưu điểm, Lazada có thủ tục mở gian hàng khá phức tạp, phải hoàn thành khóa học của Lazada, khai báo số chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, giấy phép kinh doanh, điều này gây khó khăn nhiều cho người bán. Chi phí vận chuyển khá cao và mặt hàng ít đa dạng, thời gian dự kiến giao hàng khá lâu làm tỷ lệ hoàn đơn cũng tăng cao; có nhiều chính sách với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng điều này vô hình chung gây khó khăn và khắt khe đối với người bán.
Sàn TMĐT Tiki được thành lập vào tháng 3/2010 và được điều hành bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn. Với khởi điểm chỉ bán sách, Tiki nhanh chóng được nhiều khách hàng quan tâm nhờ dịch vụ tốt, uy tín và được nhiều người mua cũng như người bán tin tưởng. Với sự mở rộng các ngành hàng khác, Tiki đã trở thành sàn TMĐT lớn tại Việt Nam. Sàn TMĐT Tiki có nhiều điểm nổi bật như niềm tin của khách hàng dành cho Tiki rất lớn bởi uy tín và cam kết hàng chính hãng 100% cũng như bề dày kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh online. Tiki kiểm duyệt chất lượng hàng hóa rất kỹ càng. Các chủ shop không cần lo việc bị khách hàng nhầm lẫn với các gian hàng kém chất lượng. Tỉ lệ đổi trả/ hoàn hàng thấp, chỉ khoảng 1%. Ưu đãi cho mặt hàng sách khá cao từ 30-35%. Chính sách bảo mật thông tin khách hàng rất tốt. Chính sách vận chuyển nhiều ưu đãi, kích cầu mua hàng, tăng doanh thu cho các shop kinh doanh online hiệu quả. Hạn chế của sàn TMĐT Tiki bao gồm chính sách nghiêm ngặt nên các chủ shop gặp khó khăn khi mở gian hàng. Các mặt hàng ít đa dạng so với các sàn lớn khác. Người bán phải tốn chi phí cố định và hoa hồng khi bán hàng. Để đặt được dịch vụ giao hàng nhanh, khách hàng phải tốn thêm gói dịch vụ trong thời gian cố định. Hạn chế lựa chọn đơn vị vận chuyển do chính sách lưu kho Tiki và giao hàng độc quyền9.
Sàn TMĐT Sendo ra mắt người tiêu dùng vào tháng 9/2012, xuất thân là một dự án TMĐT do Tập đoàn FPT phát triển. Các ưu điểm của Sendo bao gồm đăng ký bán hàng rất đơn giản, chỉ cần có email và số điện thoại, không cần đến giấy phép kinh doanh. Được tăng cơ hội quảng bá hàng hóa, thương hiệu miễn phí và gia tăng đơn hàng qua các kênh marketing của sàn. Cách đăng ký bán hàng trên Sendo sẽ giúp tận dụng được ứng dụng sẵn có của FPT. Cho phép khách hàng dễ dàng đổi trả nếu không hài lòng. Dễ có đơn hàng khi khởi tạo gian hàng mới. Hệ thống Senpay minh bạch, rút tiền nhanh (1-2 ngày). Giao diện trực quan dễ sử dụng, dễ dàng phân quyền cho nhân viên hoặc người quản lý shop. Sản phẩm và hình ảnh được chuẩn hóa SEO – “search engine optimization” rất tốt. Chính sách đổi trả hàng thuận lợi [11]. Nhược điểm bao gồm miễn phí mở gian hàng nhưng lại bán các gói marketing nhưng chưa chắc chắn hiệu quả khi sử dụng. Chính sách giao hàng vẫn gây khó khăn cho cả người mua và người bán. Cơ chế quản lý người bán chưa tốt nên vẫn tồn tại tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tỷ lệ đơn hàng bị hoàn ở mức khá, khoản 20%. Hệ thống nhà vận chuyển chưa đa dạng (chỉ có VNPost, Giao hàng nhanh và Viettelpost). Đơn ảo cao hơn so với các sàn TMĐT khác nếu không có biện pháp xác nhận đơn đặt hàng.
Kinh doanh trên mạng xã hội là xu hướng mới và đang được phát triển trong lĩnh vực TMĐT nhờ vào tính năng dễ tương tác, trao đổi thông tin giữa khách hàng và người bán, dẫn đến dễ dàng chốt đơn so với các hình thức TMĐT khác. Người mua hàng kỳ vọng vào sự tương tác nhanh chóng với người bán. Theo đó, các hành động tương tác như thích, trả lời bình luận của khách hàng cần được thực hiện thường xuyên. Người mua xem trọng các ưu đãi đặc biệt, hình ảnh/ video thật và việc hỗ trợ khách hàng ngay lập tức từ người bán. Các nội dung do người dùng viết về sản phẩm/dịch vụ được cả người bán và người mua xem là một nguồn thông tin đáng tin cậy vì nó đại diện cho trải nghiệm mua sắm thực sự. Thời lượng sử dụng thiết bị di động và lướt mạng xã hội của người tiêu dùng luôn ở mức cao nên đăng trạng thái trên mạng xã hội là phương thức quảng cáo nhanh và hiệu quả đến lượng lớn khách hàng tiềm năng. Mạng xã hội giúp làm tăng tỉ lệ giao dịch thành công với các mặt hàng “hot trend”. Việc sử dụng đa dạng nội dung (như hình ảnh, video, đánh giá thực tế của khách hàng) và thường xuyên tương tác trên mạng xã hội thực sự sẽ đem lại trải nghiệm mua hàng tốt hơn cho khách hàng cũng như tăng giá trị thương hiệu. Cùng với các điểm thuận lợi, bán hàng trên mạng xã hội gặp phải một số thách thức. Mạng xã hội được phát triển chỉ để phù hợp với các mục đích kết nối xã hội chứ không phải mua sắm. Nên các nền tảng này thiếu các công cụ tự động hóa và thường yêu cầu việc trò chuyện thủ công để xác nhận đơn hàng. Trong khi nhiều doanh nghiệp thừa nhận tầm quan trọng của mạng xã hội nhưng chỉ một phần trong số đó thực sự tối ưu hóa kênh truyền thông này để bán hàng. Việc thiếu công cụ đo lường, nên nhiều doanh nghiệp chỉ xem mạng xã hội như là một kênh dịch vụ khách hàng. Trong tương lai, khi các nền tảng mạng xã hội hoàn thiện hệ thống tích hợp xử lý và phân tích đơn hàng, kết hợp với một ngân sách hợp lý cho việc quảng cáo trên mạng xã hội thì doanh nghiệp, thương nhân có một nền tảng vững chắc để phát triển kinh doanh trên mạng xã hội[12].
Rõ ràng để nhận thấy lợi ích và thành công của một website doanh nghiệp (hay trang TMĐT bán hàng), Thế giới di động, Điện máy xanh, FPT, Điện máy chợ lớn, Nguyễn Kim… là những doanh nghiệp có trang TMĐT bán hàng hàng đầu Việt Nam. TMĐT với website doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích. (i) với trang TMĐT bán hàng, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đưa thông tin về sản phẩm/ dịch vụ/ hình ảnh thương hiệu tiếp cận tới khách hàng một cách nhanh chóng, đồng bộ, đầy đủ và hiệu quả nhất. (ii) Các website bán hàng có thể tích hợp chức năng chat trực tuyến để giải đáp những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng. Ngoài ra, trên các website thương mại điện tử bán hàng còn cung cấp chức năng chọn hàng, đặt hàng, và thanh toán trực tuyến, giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí đi lại cũng như thời gian mua sắm. (iii) Khi sở hữu website bán hàng có thiết kế chuẩn SEO, doanh nghiệp, thương nhân có thể dễ dàng tối ưu sao cho các thông tin về sản phẩm/dịch vụ được hiển thị tại các vị trí top đầu trên Google. Từ đó thu hút lượng truy cập vào website nhiều hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng thị trường và tiếp cận hiệu quả tập khách hàng tiềm năng rộng lớn. (iv) Chi phí cho quảng cáo trên website rất thấp so với các phương tiện truyền thống, đồng thời truyền tải được nhiều thông tin với trữ lượng lớn. Khi thực hiện marketing trên website, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc theo dõi hiệu quả, nhận tương tác của khách hàng. (v) Một website được thiết kế hiện đại và chuyên nghiệp cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và đẳng cấp của doanh nghiệp/thương hiệu đó, tạo vị thế cạnh tranh tốt hơn. Chính vì vậy các doanh nghiệp thường đầu tư kĩ lưỡng để thiết kế một website tốt nhất[13].
Đề xuất giải pháp thương mại điện tử đa kênh.
Với những lợi ích và đóng góp vào nền kinh tế của TMĐT, nhà quản lý, doanh nghiệp và thương nhân không còn đặt câu hỏi tại sao phải ứng dụng và phát triển TMĐT. Thay vào đó, doanh nghiệp và thương nhân hiện nay rất quan tâm đến cách thức, chiến lược để có thể ứng dụng hiệu quả TMĐT trong hoạt động kinh doanh. Chiến lược hiện nay được nhiều doanh nghiệp, thương nhân áp dụng trong kinh doanh đó là bán hàng đa kênh (kết hợp kinh doanh tại cửa hàng vật lý và các kênh TMĐT). Bán hàng đa kênh hiện nay phổ biến với hai mô hình: Multichannel và Omnichannel.
Multichannel là mô hình bán hàng bằng nhiều kênh khác nhau, có thể là trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong đó, 05 kênh bán hàng phổ biến nhất là (i) các điểm bán lẻ truyền thống (POS); (ii) Mạng xã hội; (iii) website doanh nghiệp (kênh chính để giới thiệu thương hiệu, bán hàng chuyên nghiệp trực tiếp); (iv) sàn TMĐT và ứng dụng tương ứng di động; (v) Affiliate – Bán hàng qua mạng lưới cộng tác viên hoặc qua website khác (Hình 3). Mỗi kênh bán hàng thường có hệ thống kinh doanh và quản lý riêng biệt, ít có sự tích hợp giữa các kênh, vì vậy mà mô hình này không có sự liên kết giữa các kênh[14]. Để vận hành các kênh bán hàng trơn tru và hiệu quả, mô hình Multichannel đòi hỏi doanh nghiệp phải dành ra nhiều thời gian – nguồn lực để vận hành các kênh liền mạch và tối ưu được hiệu quả bán hàng.
Đối với Omnichannel, mô hình này cũng bán hàng đa kênh như mô hình Multichannel, trong đó sử dụng thêm giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quá trình quản lý và đồng bộ các kênh. Cụ thể mọi dữ liệu kinh doanh (sản phẩm, khách hàng, tồn kho, khuyến mại, hoàn tất đơn hàng,..) từ kênh trực tuyến cho đến trực tiếp đều được đồng bộ và quản lý trên một hệ thống duy nhất. Doanh nghiệp, thương nhân cập nhật và quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh tại một nền tảng thay vì phải tốn nhân lực quản lý trên từng kênh riêng. Hiện có nhiều doanh nghiệp công nghệ (như Haravan, Sapo,…) tập trung nghiên cứu và phát triển các nền tảng để hỗ trợ quản lý kinh doanh đa kênh áp dụng mô hình Omnichannel.

Để bán hàng trên mạng xã hội và sàn TMĐT, doanh nghiệp và thương nhân phải đăng ký tạo tài khoản trên các nền tảng này, theo đó đây không phải là tài sản thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp, thương nhân. Chỉ có website doanh nghiệp (với tên miền được đăng ký, đã thông báo hoặc đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương) được xem là sở hữu hoàn toàn. Vì lý do trên, doanh nghiệp và thương nhân nên ưu tiên khai thác giá trị từ các sàn TMÐT và mạng xã hội như là những kênh giúp truyền thông, tiếp thị, quảng bá thương hiệu, hàng hóa và tìm kiếm, chăm sóc, tương tác với khách hàng. Từ đó dẫn dắt khách khách hành truy cập và giao dịch tại các hệ thống website thuộc sở hữu của doanh nghiệp – nơi chứa dữ liệu doanh nghiệp, thương hiệu, hàng hóa (Hình 4).

Trình tự phổ biến khi khởi sự TMĐT bao gồm 3 bước chính: Tối ưu gian hàng, tối ưu tìm kiếm và tham gia sự kiện[15]. Thứ nhất, tối ưu gian hàng có nghĩa là mô tả đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, ngành hàng, mặt hàng kinh doanh một cách đặc sắc, thể hiển được điểm nổi bật, xây dựng thương hiệu. Cần lưu ý tránh đặt tên gian hàng, hàng hóa vi phạm bản quyền các nhãn hàng nổi tiếng, đã được bảo hộ. Viết bài giới thiệu hấp dẫn, nhiều thông tin khách hàng quan tâm và kèm theo hình ảnh hàng hóa (đẹp, rõ ràng, đáng tin), đính kèm giấy chứng nhận, giấy khen,… Thứ hai, theo thống kê, có hai hành vi phổ biến khi mua hàng trên sàn TMĐT đó là “Tìm và mua” và “Duyệt sản phẩm khuyến mãi sốc và mua”. Theo đó tối ưu tìm kiếm là rất cần thiết để tăng cơ hội xuất hiện trong top đầu của kết quả tìm kiếm. Cách đặt từ khóa cho hàng hóa, tăng lượng truy cập, tăng đơn hàng ban đầu và tăng đánh giá tốt (nhiều sao) với những bình luận có nội dung cụ thể là những lưu ý để tối ưu chức năng tìm kiếm. Đối với bước thức 3, khi vận hành gian hàng cần nắm rõ lịch khuyến mãi của các sàn để tận hưởng “free traffic”. Đây là cơ hội để gian hàng có thể tiếp cận được lượng truy cập khổng lồ từ các chương trình khuyến mãi do các sàn cung cấp.
Để nâng cao hiểu quả kết nối tiêu thụ hàng hóa dù là sản phẩm nông nghiệp hay phi nông nghiệp, bao gồm các ngành dịch vụ, TMĐT đang là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay; trong đó giải pháp bán hàng đa kênh là lựa chọn tối ưu không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn đặc biệt phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), kể cả thương nhân. Do đó, doanh nghiệp, thương nhân cần ứng dụng những xu thế này với lộ trình, quy mô và mức độ phù hợp để tiếp cận được khách hàng – người đang có hành vi mua sắm luôn thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Doanh nghiệp và thương nhân cần quan tâm nhiều đến nhu cầu và hành vi mua sắm của khách hàng. Trước đây khách hàng TMĐT quan tâm nhiều về chất lượng sản phẩm (do sản phẩm nhận được không đúng như chất lượng đã cam kết). Tuy nhiên khảo sát gần đây cho thấy ba yếu tố tác động đến việc chốt đơn của khách hàng là giá hàng hóa, tốc độ giao hàng và khuyến mãi. Song song với việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ, doanh nghiệp và thương nhân cần đầu tư nguồn nhân lực TMĐT thông qua việc cử nhân sự kinh doanh tham gia các khóa đào tạo về TMĐT hoặc ưu tiên tuyển dụng mới nhân sự phụ trách TMĐT đã qua đào tạo. Hiện cả nước có hơn 40 trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học, 36 trường đại học đào tạo chuyên ngành TMĐT, trên 53 trường giảng dạy học phần TMĐT cho nhiều ngành học có liên quan[16]. Thông qua việc đánh giá ưu điểm và lợi thế của từng nền tảng mạng xã hội; chính sách, phân khúc khách hàng, ngành hàng chủ lực của từng sàn TMĐT, doanh nghiệp có thể xây dựng được chiến lược và lộ trình cụ thể cho việc khởi sự và phát triển TMĐT; theo đó nâng cao hiệu quả quảng bá, kinh doanh và kết nối tiêu thụ hàng hóa một cách bền vững, phù hợp với xu thế phát triển. Những nội dung phân tích trên đây hy vọng đã mang đến những thông tin, giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương nhân trong xây dựng kế hoạch kinh doanh hoặc phát triển các kênh thương mại trong thời đại số hiện nay.
Phúc Ngươn
[1] https://magenest.com/vi/dinh-hinh-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-2020 (ngày 05/9/2022)
[2] Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
[3] http://online.gov.vn/ (ngày 05/9/2022).
[4] https://hootsuite.com
[5] https://hocvien.haravan.com/blogs/thuong-mai-dien-tu/diem-qua-top-06-nganh-hang-ban-tot-nhat-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu (ngày 13/9/2022)
[6] https://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam?rq=Vietnam (ngày 17/9/2022)
[7] Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2022), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022
[8] Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 03/9/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 – 2025
[9] https://magenest.com/vi/dinh-hinh-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-2022 (ngày 13/9/2022)
[10] https://softworldvietnam.com/nam-dac-diem-3-san-tmdt-lon-nhat-de-kinh-doanh-online-hieu-qua (truy cập ngày 13/9/2022)
[11] https://salekit.com/blog/bi-quyet-ban-hang-tren-sendo-tu-a-z-danh-cho-nguoi-moi-bat-dau.html (ngày 16/9/2022)
[12] https://blog.boxme.asia/vi/kinh-doanh-tren-mang-xa-hoi-duoi-goc-nhin-cua-nguoi-ban-hang-online-tai-dong-nam-a (ngày 16/9/2022)
[13] https://www.sapo.vn/blog/loi-ich-cua-website-ban-hang (ngày 16/9/2022)
[14] https://gapit.com.vn/doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-ban-hang-da-kenh-nhu-the-nao.htm (ngày 16/9/2022)
[15] Học viện chuyển đổi số imgroup (2022) Tài liệu tập huấn về xu hướng và cơ hội kinh doanh trên sàn TMĐT
[16] Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2022) Báo cáo đào tạo thương mại điện tử 2022.