Nếu ai đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cà Mau yêu dấu, đã từng nếm đủ những dư vị ngọt ngào, thanh đạm từ cuộc sống thì sẽ không thể nào quên được những khoảnh khắc sum vầy bên gia đình trong những bữa cơm quê mộc mạc, ấm nồng.
Nó còn nhớ rất rõ, những ngày thơ, cứ mỗi lần có dịp nghỉ hè về quê nội là nó lại xách rổ ra vườn hái rau. Quê nội còn nghèo khi mà con tôm, con cá phi chưa phát triển rộng khắp trên những đồng ruộng thì ngoài những cánh đồng lúa mênh mông ra chỉ thấy toàn là những rau cỏ dại. Mảnh đất vườn nhà nội rộng lắm, gần cả chục hecta, nó tha hồ hái các loại rau vườn nào là đọt nhãn lồng, rau má, rau chay, rau muống đồng, rau đắng đất,…Và còn có một loại rau nữa mà nó thích hơn cả chính là đọt choại. Nó tự hỏi không hiểu vì sao mà nó lại thích loại rau này? Chính vì hình dạng của nó cong cong như dấu hỏi, bọn con nít tụi nó có thể dùng để chơi trò chọi gà mỗi khi tụm năm, tụm bảy. Hay chính vì cái vị mỗi khi luộc hoặc xào lên chấm cá kho ngòn ngọt, nhơn nhớt nơi đầu lưỡi cuốn hút đến lạ thường. Nó chỉ biết là mỗi khi ăn cơm có đọt choại là nó có thể ăn đến bốn năm chén đến nỗi bụng căng to, phình tròn.

Sau này lớn lên, bắt đầu có một kiến thức về các loài thực vật được học ở nhà trường nó mới biết được đọt choại là một món rau rừng phổ biến ở Cà Mau mà người dân ở một vài nơi còn gọi là đọt chạy. Là một loại cây thuộc họ quyết và dương xỉ mọc rậm rạp dưới chân những thân cây tràm rừng hoặc tán cây rậm rạp. Hèn gì mà quê nội nó lại có nhiều đọt choại đến như vậy?

Nói là nhiều, nhưng để có một rổ đọt choại đủ cho cả nhà ăn cũng phải mất cả buổi trời, bởi vì cọng đọt choại nhỏ nằm lọt bên dưới những bụi choại rậm rạp. Nó vừa mạo hiểm chen vào, vừa quơ tay phủi những con kiến vàng nhanh thoăn thoắt bám vào tay và thỉnh thoảng cắn đau nhưng hễ nghĩ tới việc chuẩn bị được thưởng thức những cọng đọt choại mập mạp, ngọt dìu dịu thì vẫn xứng đáng. Nhưng vào mùa mưa thì khác, nó không phải vất vả như vậy, đám đọt choại được “mẹ” mưa nuôi lớn phổng phao và lút nhút khắp nơi, nó chỉ việc đi dạo một vòng là có thể có đầy rổ. Người lớn không rảnh rỗi, còn phải vất vả với cảnh ruộng sớm, đồng trưa. Nhờ mấy đứa con nít như nó mà có được những bữa cơm rau choại dân dã ngon lành. Những lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mấy đứa em họ của nó không thích ăn rau cũng gắp lia, gắp lịa món đọt chạy khoái khẩu. Ông nội răng không còn nhiều cũng trệu trạo từng đũa rau này đến đũa rau khác. Bà nội thì vui vẻ lấy chén múc thêm mớ cá kho tộ đổ thêm vào mâm cơm đang “ngùn ngụt khí thế”. Thế đó, chỉ đơn giản là một món đọt choại luộc thôi cũng làm nên hạnh phúc cho những bữa ăn gia đình ấm áp.
Sau bao nhiêu năm thay đổi, quê nội giờ đây đã mang một diện mạo khác, tươi mới và nhộn nhịp những thanh âm của sắc màu hiện đại. Những vuông tôm đổi đời đã đem đến cuộc sống ấm no cho nhiều người, nhưng không vì thế mà những bụi rau đọt choại ngày càng ít dần đi. Chúng vẫn tiếp tục tươi tốt, phát triển sau mỗi mùa mưa. Và thực đơn trong món ăn của mỗi gia đình cũng dần phong phú hơn với món đọt choại xào tép, đọt choại xào thịt, đọt choại nhúng lẩu,… Mỗi khi ăn những bữa cơm rau đọt choại với phong phú của sắc màu tôm, thịt, nó thấy ứa nước mắt khi nhớ về người ông chỉ còn trong ký ức.
Dương Kim Chuyển