Điều kiện tự nhiên

Home » Tin tức » Tài nguyên nước

Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt (bao gồm nước mặt sông, kênh, rạch, kênh đào, đồng ruộng, nước ven biển) của tỉnh Cà Mau chủ yếu là nước mưa và nước từ biển vào theo các nhánh sông. Nguồn nước mặt là nước ngọt chủ yếu tập trung ở khu vực rừng tràm U Minh hạ, vùng sản xuất nông nghiệp phía bắc huyện Trần Văn Thời và huyện Thới Bình. Đây là nguồn nước mưa được giữ tại chỗ, do đó thích hợp cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt và nuôi cá đồng.

 

Vào mùa. Ảnh: Huỳnh Lâm

Nguồn nước mặt là nước lợ, nước mặn (đây là nguồn nước được đưa vào từ biển, hoặc pha trộn với nguồn nước mưa) chiếm phần lớn nguồn nước mặt của tỉnh và thích hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Môi trường sạch – phát triển nghề nuôi tôm. Ảnh: Huỳnh Kim Hải

Nguồn nước ngầm (nước dưới đất) của tỉnh Cà Mau có trữ lượng rất lớn, dễ khai thác. Theo kết quả đánh giá cho thấy, trữ lượng nước ngầm trong toàn tỉnh Cà Mau khoảng 5,8.106m3/ngày. Trong đó, nước có thể sử dụng được cho sinh hoạt đến tầng 2 khoảng 5,2 triệu m3/ngày. Đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Nơi rừng lấn biển. Ảnh: Đỗ Thùy Mai

Nguồn nước khoáng: kết quả thăm dò cho thấy tỉnh Cà Mau có 3 nguồn nước khoáng. Bao gồm:

– Nguồn nước khoáng thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình: Thuộc lỗ khoan S147, nằm gần ngã ba sông, do Đoàn 804 thi công năm 1996. Nguồn nước khoáng được phát hiện trong lỗ khoan sâu 258m, lưu lượng 23 lít/giây. Kết quả phân tích cho thấy, nước khoáng Thới Bình có thành phần hóa học bicarbonat natri, khoáng hóa thấp, được xếp loại nước khoáng silic, ấm. Hiện nay, nguồn nước khoáng này được khai thác, cấp nước sinh hoạt.

– Nguồn nước khoáng Cà Mau: thuộc lỗ khoan 215, do Đoàn 802, thuộc Liên đoàn địa chất thủy văn thi công năm 1996, nằm trong khuôn viên trụ sở cũ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Cà Mau (phường 2, thành phố Cà Mau). Nước xuất hiện ở lỗ khoan sâu 328m. Kết quả phân tích cho thấy, đây là nước khoáng bicarbonat natri, khoáng hóa thấp đoạn trên và vừa đoạn dưới, được xếp vào loại nước ấm đoạn trên và nước khoáng hóa ấm đoạn dưới.

– Nguồn nước khoáng Năm Căn: Thuộc lỗ khoan S141, gần trụ sở UBND huyện Năm Căn (địa bàn thị trấn Năm Căn). Nguồn nước được phát hiện ở lỗ khoan sâu 257m, lưu lượng 11 lít/giây, độ hạ thấp mực nước 21,89m. Kết quả phân tích cho thấy, đây là nước khoáng bicarbonat – clorut – sulfat natri, khoáng hóa vừa, được xếp vào nước khoáng hóa ấm. Hiện nay, nguồn nước khoáng này được khai thác, cấp nước sinh hoạt.

Nguồn: camau.gov.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN