Cà Mau là vùng đất mới do phù sa bồi tụ, được hình thành bởi 2 dòng hải lưu ở biển Đông và Vịnh Thái Lan, nhận phù sa của sông Cửu Long bồi đắp. Nhìn chung đất đai của tỉnh là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì nhiêu trung bình khá, hàm lượng chất hữu cơ cao nhưng do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ.


Cà Mau có các nhóm đất chính:
Nhóm đất mặn có diện tích 150.278 ha, chiếm 28,84% diện tích tự nhiên, được phân bố chủ yếu ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Nhóm đất mặn được hình thành trên các vùng trầm tích biển và trầm tích sông biển. Đây là loại đất trẻ, chịu ngập triều thường xuyên hoặc định kỳ.

Nhóm đất phèn có diện tích 334.925 ha, chiếm 64,27% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.

Nhóm đất phèn nhiễm mặn phân bố ở những vùng ven biển. Đối với diện tích đất phèn không ngập mặn có thể trồng lúa trong mùa mưa, trồng các cây công nghiệp chịu phèn như: mía, khóm, chuối, tràm… Đối với diện tích phèn bị ngập mặn có thể trồng rừng ngập mặn, nuôi thuỷ sản. Ngoài ra, còn có nhóm đất than bùn dưới thảm rừng tràm, với diện tích khoảng 10.564 ha, phân bố ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và nhóm đất bãi bồi với diện tích 9.507 ha, phân bố ở các huyện Ngọc Hiển và Phú Tân.
Nguồn: camau.gov.vn