Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL, bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước và có nhiều cửa sông ăn thông ra biển như: Gành Hào, Bồ Ðề, Ông Ðốc, Ông Trang, Bảy Háp, Khánh Hội…Trên biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão, phát triển kinh tế biển. Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320 ngàn tấn, cá đáy 530 ngàn tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ. Nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn…có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản khoảng 300 ngàn tấn/năm.

Nuôi trồng thuỷ sản ở Cà Mau phát triển mạnh, với tổng diện tích trên 266.735ha. Trong đó, chủ yếu nuôi quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến, công nghiệp, bán công nghiệp, với các mô hình chuyên tôm, tôm – rừng, tôm – lúa kết hợp. Nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất từ 5 tấn/ha/vụ. Cà Mau sản xuất khoảng 8 tỷ con giống mỗi năm, đã giải quyết một phần về nhu cầu con giống cho nghề nuôi trồng thuỷ sản. Nhu cầu về con giống thực tế cần khoảng 12 tỷ con giống mỗi năm.

Biển Cà Mau tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển.
Nguồn: camau.gov.vn