HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Start-up tìm khách hàng xuất khẩu

Để tìm kiếm và chinh phục khách hàng xuất khẩu, khâu chuẩn bị rất quan trọng đối với start-up.

Chinh phục khách hàng nước ngoài

10 năm trước, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) được ra đời. Ngay từ đầu, chiến lược của công ty này là cạnh tranh với các bạn hàng khắp thế giới bằng chất lượng. Vinasamex đã cố gắng lấy các giấy chứng nhận chất lượng ở các thị trường hàng đầu, cùng với đó là giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của các nhà máy, rồi giấy chứng nhận thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là điểm khác biệt lớn của Vinasamex so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Bên cạnh đó, CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền dám tự tin với cái tâm làm nghề của mình và kinh nghiệm mà Công ty đã nghiên cứu rất sâu.

Không chỉ vậy, nếu như trước kia, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, thì nay, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu nhiều loại hình sản phẩm khác như bột, tinh dầu… mang thương hiệu Vinasamex để đa dạng hóa sản phẩm.

Các sản phẩm Vinasamex đang được bán trên nhiều kênh thương mại điện tử nổi tiếng trong và ngoài nước như Lazada, Amazon, Alibaba, Tiki, Shopee. Vinasamex cũng đang là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất thực phẩm – đồ uống – dược mỹ phẩm trong và ngoài nước.

Theo nữ CEO này, nhóm đối tượng khách hàng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), với thị trường chủ lực là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 90% doanh thu. 10% doanh thu còn lại thuộc nhóm B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng), với các sản phẩm được phân phối trên fanpage, các kênh thương mại điện tử, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ và một số siêu thị.

Cách thức marketing mà Vinasamex đã và đang triển khai là tham gia nhiều hội chợ quốc tế, gặp mặt trực tiếp khách hàng để giới thiệu sản phẩm, đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu…

Vậy nên, trong 2 năm qua, dù thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng doanh thu của Vinasamex vẫn tăng trưởng khả quan, với doanh thu năm 2020 đạt 151 tỷ đồng, năm 2021 đạt 275 tỷ đồng.

Chuẩn bị và xuất kích

CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng, start-up mới nổi trên thị trường gia vị Việt cho rằng, để tìm và chinh phục khách hàng xuất khẩu, thì khâu chuẩn bị rất quan trọng.

Thứ nhất, đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu ở Việt Nam và sau đó đăng ký tại các thị trường xuất khẩu muốn nhắm tới.

Thứ hai, xây dựng website. Đảm bảo website phải đầy đủ thông tin, thiết kế logic và bắt mắt.

Website khởi điểm ít nhất có song ngữ Việt-Anh, còn tốt hơn là có thêm ngôn ngữ của những thị trường xuất khẩu mục tiêu. Trang web là nơi đầu tiên mà khách hàng tìm hiểu sau khi nhận được offer của bạn, nếu website không tối ưu thì khả năng cao là khách hàng sẽ bỏ đi.

Thứ ba, đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Theo ông Dũng, chất lượng sản phẩm luôn quan trọng bậc nhất. Danh mục sản phẩm phải đa dạng, nên có ít nhất 10 sản phẩm để khách hàng có thể lựa chọn.

Thứ tư, chú ý bao bì đóng gói. Nếu bao bì được thiết kế linh hoạt để có thể thay đổi tem nhãn thì quá tốt, khách hàng xuất khẩu sẽ rất vui khi sản phẩm được in bằng ngôn ngữ theo yêu cầu của họ.

Thứ năm, tính toán trọng lượng và kích thước bao bì. Mới đầu, không nên đặt kích thước sản phẩm lớn quá vì người tiêu dùng nước ngoài muốn dùng thử mà không cần bỏ ra quá nhiều tiền. Tuy nhiên, bước chuẩn bị này cũng phải bắt nguồn từ việc phát triển trong nước, bởi khách hàng xuất khẩu thường đánh giá cao các sản phẩm đã được kiểm chứng ở thị trường nội địa.

Sau khi đã có các yếu tố trên, start-up có thể bắt đầu tìm kiếm khách hàng xuất khẩu tiềm năng qua một số kênh.

Theo ông Dũng, start-up nên đăng ký tham gia các triển lãm chuyên ngành, bởi nhà nhập khẩu sẽ đến các triển lãm để tìm kiếm nhà cung cấp và mặt hàng mới. Ngoài ra, cần theo dõi và đăng ký tham gia các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại của các cơ quan nhà nước để có cơ hội kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.

Cuối cùng, thiết lập quan hệ với cộng đồng người Việt ở các nước, có thể tuyển cộng tác viên xuất khẩu là người Việt sống tại các quốc gia này vì họ có kinh nghiệm và có quan hệ rộng lớn.

Xem thêm: Làm việc ở Startup hay doanh nghiệp lớn, đâu là lựa chọn thông minh?

Minh Ngọc baodautu.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC