HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Quảng bá Cà Mau với ‘Ngày hội cua Năm Căn’

Cà Mau được biết đến là vùng đất giàu sản vật. Ngoài cua Năm Căn đã nổi tiếng gần xa, địa phương này còn rất nhiều đặc sản nổi tiếng như: Tôm khô Rạch Gốc, mật ong U Minh hạ, cá thòi lòi…

Để tiếp tục giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và kích cầu du lịch, Cà Mau sẽ tổ chức chương trình “Cà Mau điểm đến năm 2021” gồm nhiều sự kiện đặc sắc, trong đó, “Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hóa ẩm thực Cà Mau”.

Cụ thể, chương trình “Cà Mau điểm đến năm 2021” gồm 5 sự kiện chính: Cuộc thi chạy Marathon với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” Cà Mau; lễ hội Nghinh Ông sông Đốc; lễ hội Tri ân Quốc tổ (gồm chuỗi hoạt động: Lễ hội Tri ân, Ngày hội “Bánh dân gian Nam bộ” và hoạt động “Hương rừng U Minh”); sự kiện “Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hóa ẩm thực Cà Mau” và lễ Thượng cờ – Thống nhất non sông.

Quảng bá Cà Mau với Ngày hội cua Năm Căn
Cua Năm Căn (Cà Mau) của HTX nuôi cua Tân Hiệp Phát đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn – Cà Mau vào năm 2018.

“Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hóa ẩm thực Cà Mau” dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2021, nhằm giới thiệu các đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau đến với đông đảo du khách. Điểm nhấn của sự kiện này sẽ là các hoạt động ẩm thực, với những món ngon từ cua – đặc sản vừa được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận nằm trong top 100 món ăn đặc sản nước ta.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng, cho biết: Con cua Cà Mau có thịt chắc, khỏe và thơm ngon nên được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, là một trong những sản phẩm chủ lực để giới thiệu, tạo sức lan tỏa và giới thiệu rộng rãi đến với du khách trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (thứ 2 từ phải sang) thăm gian hàng HTX nuôi cua Tân Hiệp Phát – một trong những đặc sản nổi tiếng Cà Mau.

Đặc biệt, Cà Mau có 02 nghề truyền thống đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là “Nghề gác kèo ong” và “Nghề muối ba khía”.

Cà Mau hiện nay có khoảng 70% diện tích nuôi tôm theo hình thức tôm – rừng, tôm quản canh truyền thống, tôm – lúa đều có thả nuôi cua kết hợp. Diện tích cua biển được thả nuôi xen ghép với tôm và các đối tượng thủy sản khác hiện nay khoảng 250.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 20.000 tấn/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đạt 3,7%/năm; giá trị đạt khoảng 4.600 tỷ đồng/năm. Các huyện có diện tích nuôi cua lớn của tỉnh: Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển.

Giá trị sản xuất ngành hàng cua biển chiếm 6,15% so với tổng GTSX ngành thủy sản và chiếm 5,18% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,33 %/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành hàng cua biển chiếm 5,59% so với tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản và chiếm 4,94% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng bình quân 7,16%/năm.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp/HTX kinh doanh, nuôi tôm – cua kết hợp (trong đó có khoảng 17 HTX và 03 doanh nghiệp).

Xem thêm: Xúc tiến du lịch Cà Mau để kích cầu thúc đẩy phát triển

Trọng Nghĩa (BaoMoi.com)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC