Tin tức chung

Home » Tin tức » Phát triển thủy sản bền vững là hướng đi tất yếu

Phát triển thủy sản bền vững là hướng đi tất yếu

Thủy sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành thủy sản cần đồng bộ từ quy hoạch đến sản xuất và phát triển thị trường.

Phát triển thủy sản bền vững là hướng đi tất yếu - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

5 yếu tố giúp thủy sản Na Uy có chuỗi thủy sản lớn nhất thế giới

Ngày 31/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thủy sản Việt”.

Tại hội thảo, ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy đã chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy với tư cách là quốc gia đi đầu thế giới trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Hiện nay, Na Uy là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và có chuỗi giá trị phát triển tốt nhờ áp dụng các phương pháp cốt lõi sau:

Thứ nhất, về tính bền vững, Na Uy đã thực hiện các quy định và kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo thu hoạch hải sản bền vững, từ đánh bắt tự nhiên đến nuôi trồng thủy sản. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng nguồn hải sản của đất nước được quản lý một cách có trách nhiệm và bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy khả năng tồn tại lâu dài.

Thứ hai, yếu tố chất lượng, Na Uy nổi tiếng về sản xuất các sản phẩm thủy sản chất lượng cao được người tiêu dùng trên khắp thế giới tìm kiếm. Ngành thủy sản ở Na Uy ưu tiên chất lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ tàu đánh cá đến nhà máy chế biến và trung tâm phân phối.

Thứ ba, truy xuất nguồn gốc, Na Uy có hệ thống truy xuất nguồn gốc theo dõi các sản phẩm hải sản từ điểm đánh bắt đến điểm tiêu thụ, đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể tin tưởng vào nguồn gốc và tính xác thực của hải sản mà họ mua.

Thứ tư, ngành thủy sản Na Uy đi đầu trong đổi mới trong ngành, phát triển các công nghệ và phương pháp sản xuất mới giúp nâng cao hiệu quả, giảm chất thải và tăng giá trị của các sản phẩm thủy sản.

Cuối cùng, ngành thủy sản Na Uy được đặc trưng bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị. Sự hợp tác này thúc đẩy một môi trường cải tiến liên tục và cho phép ngành phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với các điều kiện thị trường đang thay đổi và sở thích của người tiêu dùng.

Những yếu tố này đã góp phần đưa Na Uy trở thành một trong những nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới và chuỗi giá trị thủy sản của Na Uy là một mô hình cho sự bền vững, chất lượng và đổi mới.

Năm 2022, Na Uy đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị khoảng 14,5 tỷ USD. Ông Asbjorn nhấn mạnh: “Đó là kỷ lục về giá trị xuất khẩu và tương ứng với 40 triệu bữa ăn mỗi ngày, gần như là quanh năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản đã tăng khoảng 2,9 tỷ USD, tương đương 25% so với năm kỷ lục 2021”.

Ông Asbjorn Warvik Rortveit cho rằng, với sự tương đồng về nền tảng vững chắc để phát triển ngành thủy sản và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trên thế giới về xuất khẩu thủy sản, Việt Nam và Na Uy nhìn thấy cơ hội trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển trên bản đồ thủy sản thế giới.

Phát triển thủy sản bền vững là hướng đi tất yếu - Ảnh 2.
Ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đồng bộ từ quy hoạch đến phát triển thị trường cho thủy sản Việt

Ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản) cho biết, ngành thủy sản về cơ bản có đầy đủ quy hoạch của ngành, như quy hoạch tôm, cua, cá tra… nhưng ở cấp tỉnh mới chỉ có Thanh Hóa và Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch. Điều này cũng cho thấy chưa có sự hài hòa giữa phát triển thủy sản và du lịch ở các tỉnh có biển. Ông Khôi nhấn mạnh, khi các tỉnh tích hợp thủy sản vào quy hoạch địa phương thì sẽ có không gian cho phát triển của ngành này.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm vừa qua, tôm đã xuất khẩu 4,3 tỉ USD, cá tra 2,5 tỉ USD, hải sản 4,2 tỉ USD.

“Tuy đầu năm tới nay xuất khẩu giảm, có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn trong tâm thế phát triển, tăng trưởng để cung cấp thực phẩm cho thế giới. Để giúp ngành thủy sản tăng trưởng ấn tượng, không còn gì khác là bằng việc nâng giá trị sản phẩm thủy sản. Những kết quả vừa qua do chúng ta đã gia tăng giá trị chế biến thủy sản, trong khi các nước khác như Ấn Độ, Ecuador họ tập trung vào sơ chế”, ông Hòe phân tích.

Theo đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản cần phải tập trung 3 trụ cột, đó là sản phẩm an toàn cao, sản phẩm tốt cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, động lực để phát triển xuất khẩu thủy sản cũng cần lưu ý đó là đáp ứng xu thế tiêu dùng và nâng giá trị sản phẩm thủy sản.

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thủy sản tập trung vào các sản phẩm cho sức khỏe, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việt Nam có nhiều lợi thế.

Cũng theo ông Trương Đình Hòe, có 3 vấn đề liên kết ngành thủy sản cần phải đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Đó là tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.

Hiện các công ty lớn đã tập trung liên kết hệ sinh thái, ví dụ như ở các doanh nghiệp Việt Úc, Vĩnh Hoàn, cần có những thương hiệu mạnh, mô hình khép kín để khẳng định chất lượng, giá trị gia tăng, giúp thủy sản có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường. Đồng thời, việc này giúp thương hiệu thủy sản Việt Nam phát triển hơn nữa trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận: “Năm 2022 là năm khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng, đặc biệt thủy sản. Chưa bao giờ xuất khẩu thủy sản đạt con số 11 tỉ USD, đây là một dấu mốc lớn”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thuỷ sản. Ngoài ra, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến… cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị.

Ngành thủy sản hiện đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỉ USD. Với các điều kiện về nuôi trồng và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành thủy sản phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các chủng loại được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Bộ NN&PTNT đang trong giai đoạn xem xét các dự án khoa học công nghệ để phục vụ được yêu cầu của sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt phát triển hạ tầng. Ngoài ra, phải đi theo hướng nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn… để đảm bảo tiêu chí cho thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản”.

Đỗ Hương baochinhphu.vn thực hiện

TIN TỨC LIÊN QUAN