Thời gian qua số lượng và quy mô các sàn TMĐT đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng. Người tiêu dùng đã có thể giao dịch trực tuyến hầu như tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm từ thực phẩm đến thiết bị điện tử, máy móc. Các trang, sàn TMĐT mang đến sự thuận tiện và nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Không cần phải di chuyển, người tiêu dùng có thể xem nhiều cửa hàng cùng lúc, dễ dàng so sánh giá hàng hóa, tham khảo các đánh giá sản phẩm, nhiều ưu đãi và khuyến mãi. Đặc biệt dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm trực tuyến càng gia tăng nhanh chóng. Nhiều chuyên gia cho rằng thương mại điện tử trở thành xu thế tất yếu và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Tính đến tháng 8 năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đã cấp phép cho 40.782 website thương mại điện tử bán hàng (trang TMĐT) và 1.146 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, hay thường được gọi là sàn giao dịch thương mại điện tử (sàn TMĐT). Các trang, sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam hiện nay là Bách hóa xanh, FPT shop, Thế giới di động; Shopee, Lazada, Sendo, Tiki. Trên các trang và sàn TMĐT, ngành hàng được trưng bày, giao dịch rất đa dạng và phong phú, bao gồm các giao dịch B2B và B2C.
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT,… Ngay lúc này, tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước doanh nghiệp cần nghiên cứu, đầu tư phát triển thương mại điện tử để tồn tại và phát triển.

Các kênh thương mại điện tử doanh nghiệp có thể áp dụng bao gồm: bán hàng thông qua trang TMĐT, sàn TMĐT, mạng xã hội. Trong đó, trang TMĐT (hay website của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến) là hạ tầng kỹ thuật cơ bản, là kênh kinh doanh trực tuyến quan trọng nhất. Vì đây là cửa hàng chính để trưng bày, giới thiệu, quảng bá và sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp. Kênh kinh doanh trực tuyến tiếp theo là các sàn TMĐT. Dù đã có trang TMĐT, doanh nghiệp B2B hay B2C cần tham gia các sàn TMĐT. Lượt truy cập và khách hàng của các sàn TMĐT rất lớn và thông qua việc tham gia các sàn, doanh nghiệp có thể bán thêm được hàng hóa, tăng doanh số. Đồng thời, có thể quảng bá, thu hút khách hàng vào xem, đặt hàng và giao dịch hàng hóa trên trang TMĐT của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp đã có thể thương mại rất tốt trên các sàn TMĐT, nhưng chưa có trang TMĐT thì cần thực hiện ngay. Gian hàng trên các sàn TMĐT không hoàn toàn thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Chỉ có trang TMĐT là tài sản và hoàn toàn thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Kênh tiếp theo trong thương mại điện tử là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo, … Hiện nay, thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhiều doanh nhiệp đã có thể trụ vững và tăng doanh số bán lẻ bất chấp đại dịch đang diễn biến phức tạp. Nhìn chung, trang TMĐT, gian hàng trên sàn TMĐT, mạng xã hội là hạ tầng kỹ thuật, là điều kiện cần để kinh doanh trực tuyến. Để có thể TMĐT thành công, doanh nghiệp cần xây dựng, đăng tải dữ liệu hoàn chỉnh về thông tin hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp (hình ảnh, video, bài viết,…) trên các nền tảng số (trang, sàn TMĐT, mạng xã hội,…), kèm theo các chương trình marketing, quảng cáo; đồng thời doanh nghiệp cần đảm bảo công tác giao hàng, đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến để tăng độ hài lòng của khách hàng. Hiện nay, nhiều phần mềm và ứng dụng di động như Haravan, Sapo, KiotViet,… được thiết kế để hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ dữ liệu và quản lý nhiều kênh thương mại điện tử cùng lúc dễ dàng và hiệu quả.


Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chính quyền tại nhiều địa phương trong cả nước đã được xây dựng và vận hành sàn TMĐT, cụ thể như sàn madeincamau.com của tỉnh Cà Mau. Sàn này được liên kết với các sàn TMĐT của các địa phương khác và thường xuyên được quảng bá trên mạng xã hội và tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Sàn TMĐT Cà Mau được trang bị hạ tầng kỹ thuật đầy đủ để thực hiện các giao dịch trực tuyến như tích hợp dịch vụ vận chuyển, thanh toán trực tuyến. Doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau được Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Viettel và bưu điện,… nhiều hệ thống ngân hàng được kết nối để thực hiện thanh toán, bao gồm các loại ví điện tử như VNPay, MoMo, Zalopay. Hiện nay, tham gia Sàn TMĐT madeincamau.com, doanh nghiệp được miễn các khoản phí, đồng thời được hỗ trợ, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để thực hiện thương mại điện tử. Các kỹ năng bao gồm đăng ảnh và thông tin sản phẩm, chốt đơn hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán, marketing và quảng cáo. Với những kỹ năng này, doanh nghiệp có thể vận dụng và thành công trên trên tất cả các kênh thương mại điện tử khác. Tin rằng từ sự cố gắn, nỗ lưc của doanh nghiệp và sự hỗ trợ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, thương mại điện tử sẽ giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển trong và sau đại dịch./.
Phúc Ngươn