Kinh tế - Xã hội

Home » Tin tức » Nông nghiệp

Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau chuyển dịch theo hướng vừa khai thác thế mạnh về lúa ở vùng trọng điểm lúa để đảm bảo an ninh lương thực vừa chuyển đổi một phần đất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn. Trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất những năm qua, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực và một phần nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường.

Mô hình tôm – lúa kết hợp. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Do chuyển đổi một phần diện tích đất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nên những năm qua diện tích các loại cây trồng của tỉnh Cà Mau giảm mạnh. Năm 2016, diện tích canh tác lúa đạt 71.840 ha, bằng 79,7% so với năm 2015. Trong đó, gieo sạ lúa hè thu trên 36.500 ha; gieo cấy lúa mùa 6.049 ha; sản xuất 01 vụ lúa trên đất nuôi tôm gần 30.000 ha. Diện tích gieo trồng trên 108.300 ha, đạt 85,1% kế hoạch, bằng 85,6% so với năm 2015. Năng suất gieo trồng đạt 4,42 tấn/ha, đạt 96,5% so với kế hoạch, tăng 20,4% so với năm 2015. Tổng sản lượng lúa đạt 496.500 tấn. Với sản lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực trong tỉnh, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường để phát triển kinh tế.

Vùng chuyên canh lúa. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Những năm gần đây, Cà Mau đã triển khai Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm – lúa Cà Mau” đã góp phần nâng cao sản lượng lúa và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất tạo ra trên 1 ha đất trồng trọt hàng năm đều tăng tăng bình quân 11,2%/năm.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã và đang tích cực triển khai thực hiện ở các xã có điều kiện của 2 huyện Trần Văn Thời và Thới Bình.

Thu hoạch lúa được cơ giới hóa. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Lúa chiếm phần lớn diện tích cây hàng năm của tỉnh, sau sự sụt giảm diện tích canh tác do chuyển dịch cơ cấu sản xuất (theo Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp), tỉnh Cà Mau đã chuyển một diện tích lớn đất trồng lúa và cây trồng khác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản), từ năm 2005 đến nay diện tích canh tác lúa của tỉnh tương đối ổn định so với thời kỳ 1997 – 2004.

Mô hình nuôi ếch của nông dân. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững đã và đang được nhân rộng như nuôi kết hợp nhiều loài thủy hải sản trên cùng một diện tích, nuôi cá đồng dưới tán rừng, nuôi cá hồ ao, nuôi luân canh 1 vụ lúa – 1 vụ tôm, trồng hoa màu sau thu hoạch lúa…

Thu hoạch cá hồ ao. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tuy được ngành chức năng quan tâm chỉ đạo nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, do điều kiện đặc thù địa phương nên chủ yếu chỉ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chưa có nhiều mô hình tập trung có hiệu quả, chưa mang tính chất công nghiệp. Do đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và còn gặp nhiều khó khăn. Tổng đàn heo năm 2016 ước đạt 148.950 con, đàn gia cầm ước đạt 1.940.000 con, đàn trâu 239 con; đàn bò 315 con.

Nuôi vịt đàn. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: tính bền vững trong sản xuất chưa cao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, hoạt động chăn nuôi còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, mô hình nuôi trang trại quy mô lớn còn ít, từ đó làm cho kết quả sản xuất của ngành còn thấp so với tiềm năng, thị trường tiêu thụ của tỉnh.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu 6 ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh bao gồm: lúa chất lượng cao, keo lai, cá bổi, tôm sinh thái, cua biển và chuối. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai các bước thực hiện theo kế hoạch; đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu cụ thể của địa phương.

Nguồn: camau.gov.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN