Covid-19 xảy ra khiến thị trường du lịch có xu hướng trở nên cạnh tranh hơn. Các điểm đến nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trước kia giờ đây có thể sẽ không còn phù hợp nữa, thay vào đó là cơ hội cho những điểm đến nhỏ, nội địa và ít đông đúc. Các cơ quan quản lý điểm đến (DMOs) sẽ cần có những thay đổi trong chiến lược marketing của mình để phù hợp với bối cảnh mới.
Giữ tương tác với du khách
Mặc dù trong bối cảnh hiện tại, phần lớn các điểm đến chưa thể mở cửa hoàn toàn để đón du khách trở lại, nhưng không nên vì thế mà các điểm đến dừng luôn các hoạt động marketing và tương tác với du khách. Những điểm đến phổ biến trước Covid-19 có thể sẽ không còn lợi thế nữa, mặt khác, những điểm đến phù hợp hơn tiếp cận được du khách lúc này khả năng cao sẽ trở thành một lựa chọn cho chuyến đi của họ trong tương lai. Do đó, các DMO cần phát triển các chiến dịch marketing nhằm tiếp cận và duy trì tương tác với du khách tiềm năng, nuôi dưỡng mong muốn du lịch của du khách trong hiện tại và trấn an họ với những thông tin về các biện pháp an toàn tại điểm đến.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi các quốc gia vẫn còn đóng cửa để kiểm soát sự lây lan của virus và chưa biết khi nào có thể chào đón du khách trở lại, nhiều điểm đến đã thực hiện những chiến dịch trên các kênh truyền thông xã hội với thông điệp “travel later”. Phần lớn các chiến dịch được thực hiện dưới dạng video, nhắc nhở du khách tuân thủ quy định giãn cách và hạn chế đi lại nhưng vẫn truyền cảm hứng cho du khách du lịch trong tương lai qua những hình ảnh đẹp của điểm đến. Chẳng hạn như Thụy Sĩ truyền tải thông điệp “Dream now – Travel later”, Bồ Đào Nha với video “Can’t skip hope”, quần đảo Madeira gửi gắm thông điệp “Stay home now – Dream online – Visit us later”, còn Dubai hứa hẹn với du khách “Till we meet again”.
Xây dựng niềm tin của du khách
Một thay đổi rõ ràng nhất có thể thấy trong tâm trí của du khách trong bối cảnh Covid-19 chính là sự an toàn trở thành ưu tiên hàng đầu khi họ cân nhắc đi du lịch. Vì vậy, du khách sẽ tìm kiếm những điểm đến có thể khiến họ tin tưởng, có trách nhiệm đối với sức khỏe, sự an toàn và quyền lợi của họ. Việc xây dựng được lòng tin của du khách là điều cần thiết lúc này để khuyến khích họ ghé thăm trong tương lai và do đó các điểm đến cũng sẽ có cơ hội phục hồi sớm hơn.
Để xây dựng lòng tin của du khách, các DMO có thể cung cấp thông tin về tình hình mở cửa, các biện pháp an toàn và vệ sinh, cũng như công nghệ đang được áp dụng để bảo vệ sức khỏe của du khách. Việc cập nhật các thông tin này cũng giúp hình ảnh thương hiệu của điểm đến hiện diện thường xuyên hơn và giữ tương tác với du khách.
Ngoài ra, để đảm bảo một điểm đến an toàn đòi hỏi các DMO phải phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để cùng nhau tạo nên những trải nghiệm an toàn từ đầu đến cuối cho du khách. Từ việc di chuyển, lưu trú cho đến trải nghiệm, ăn uống, mua sắm, đều cần các bên cung cấp các dịch vụ này có những tiêu chuẩn vệ sinh phù hợp để tạo niềm tin cho du khách xuyên suốt hành trình. Do đó, các DMO cần hợp tác với các đơn vị liên quan thuộc cả khu vực công và tư để truyền tải những thông điệp nhất quán về an toàn cho du khách.

Phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới
Khi nhu cầu và hành vi của du khách thay đổi, các sản phẩm du lịch tại các điểm đến cũng cần phải thay đổi theo. Ưu tiên hàng đầu lúc này là an toàn. Do đó, những trải nghiệm đảm bảo được sự riêng tư, ít tương tác, các sản phẩm du lịch ngắn ngày, du lịch cá nhân hoặc nhóm nhỏ sẽ được du khách quan tâm nhiều hơn.
Các DMO có thể nghiên cứu và sử dụng dữ liệu để đánh giá cách nhìn nhận của du khách đối với các biện pháp an toàn mà điểm đến đang triển khai, cũng như theo dõi để kịp thời nhận biết những thay đổi trong hành vi và mối quan tâm của du khách. Từ đó, các DMO có thể nắm bắt những thay đổi trong xu hướng và sở thích của du khách để phát triển những sản phẩm phù hợp hơn.
Nguồn: Destination Review