HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.
  • Tin tức đầu tư
  • >
  • Luật đấu thầu (sửa đổi) giúp gia tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Luật đấu thầu (sửa đổi) giúp gia tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

 “Tôi cho rằng sửa đổi này là vô cùng cần thiết, và các cơ quan xây dựng Luật cũng đã nắm bắt được yêu cầu thực tiễn và có các cập nhật, sửa đổi Luật phù hợp. Khi không còn thuộc đối tượng áp dụng, các DN như chúng tôi sẽ phải chủ động hơn, linh hoạt hơn. Trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong DN cũng cao hơn, vì phải tự làm, tự quyết định”, ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhấn mạnh khi trao đổi với PetroTimes về việc các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 100% không phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ông Lê Mạnh Cường (bên trái) – Tổng Giám đốc PTSC trong một chuyến công tác cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tìm hiểu về các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi

PV: Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Theo đó, hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Vậy, theo ông việc điều chỉnh này có tác động thế nào đến các doanh nghiệp có vốn của DNNN dưới 100%?

Ông Lê Mạnh Cường: Theo tôi, việc “chỉnh lý lại” phạm vi điều chỉnh, Luật cũng bãi bỏ nội dung về áp dụng đối với “hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án”.

Với sửa đổi như vừa nêu, có thể hiểu là với các DNNN, phạm vi áp dụng cơ bản vẫn như trước đây. Còn với các công ty con của DNNN thì được chia làm 2 loại: Thứ nhất, với các công ty 100% vốn của DNNN sẽ phải áp dụng Luật Đấu thầu. Thứ hai, với các công ty con dưới 100% vốn của DNNN thì không thuộc phạm vi, theo đó không bắt buộc phải áp dụng.

Ví dụ như PTSC là DN cấp II, DNNN chiếm hơn 51% cổ phần, sẽ không bắt buộc phải áp dụng Luật này. Tôi cho rằng thay đổi này là có tác động rất lớn, nhưng là tác động tích cực.

Trước đây, do khó khăn trong việc xác định rõ ràng “vốn nhà nước” hay “vốn của DNNN” trong các dự án, nhiều năm qua, khi tổ chức đầu tư mua sắm, chúng tôi vẫn thường phải tổ chức đấu thầu theo đúng quy trình của Luật Đấu thầu tương tự như các DNNN vẫn làm.

Mặc dù vậy, các DN cổ phần, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, luôn cần có sự chủ động, linh hoạt và kịp thời. Đó là yêu cầu quan trọng để có thể thích ứng, cạnh tranh linh hoạt trên thương trường. Nhưng việc đấu thầu bắt buộc khá nặng về thủ tục, nhiều bước lập tổ, nhóm, trình duyệt, báo cáo, thẩm định, phê duyệt phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, không phải lúc nào đấu thầu cũng phát huy được hiệu quả. Nhiều khi đầu tư xong thì cơ hội đã vuột mất. Đó là cái khó.

Do đó, tôi cho rằng sửa đổi này là vô cùng cần thiết, và các cơ quan xây dựng Luật cũng đã nắm bắt được yêu cầu thực tiễn và có các cập nhật, sửa đổi Luật phù hợp.

Khi không còn thuộc đối tượng áp dụng, các DN chúng tôi sẽ phải chủ động hơn, linh hoạt hơn. Trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong DN cũng cao hơn, vì phải tự làm, tự quyết định. Đặc biệt, “trọng trách” của DNNN và người đại diện phần vốn của DNNN, của các cấp quản trị, điều hành tại các công ty con sẽ gia tăng rất nhiều. Sẽ có áp lực lớn hơn.

Hiện nay, hầu hết tại các Tập đoàn kinh tế nhà nước, thì các DN cấp II vốn 100% DNNN không nhiều. Các DN có vốn dưới 100% của DNNN mới là chiếm đa số. Do đó, thay đổi này của Luật tôi cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến quản lý, điều hành của các DN cấp II.

Các DN này cũng phải nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng cho hoạt động đầu tư, mua sắm, lựa chọn nhà thầu cho mình, làm sao đáp ứng đặc thù của từng doanh nghiệp mà vẫn hiệu quả.

PTSC vừa ký kết Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án Điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 có tổng công suất 920 MW tại Đài Loan (Trung Quốc) cho Chủ đầu tư Orsted Taiwan Ltd. Theo đó, PTSC sẽ là nhà thầu thực hiện 33 chân đế cho dự án

PV: Ông vừa nhắc đến vấn đề xây dựng cơ chế riêng cho hoạt động đầu tư mua sắm… Vấn đề ông đề cập, về bản chất, có giống như một dạng “luật nội bộ” trong các doanh nghiệp về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu?

Ông Lê Mạnh Cường: Về bản chất là như vậy. Thật ra đây không phải là vấn đề mới, mà xuất phát từ yêu cầu quản trị điều hành công ty. Cũng giống như Điều lệ Công ty hay các Quy chế nội bộ khác. Ví dụ như PTSC chúng tôi trước đây, từ trước đến nay bên cạnh việc áp dụng Luật Đấu thầu thì cũng đã xây dựng Bộ quy định, quy trình mua sắm riêng phù hợp các tiêu chí của Luật Đấu thầu. Quy định này được chúng tôi triển khai áp dụng song song từ hàng chục năm trước, ngay sau khi Luật Đấu thầu 2013 ban hành.

Chúng tôi xác định đầu tư, mua sắm là hoạt động quan trọng, quyết định “đầu vào” cho sản xuất kinh doanh, là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng, nên quy trình phải được kiểm soát toàn bộ.

Từ năm 2024, khi không phải bắt buộc áp dụng Luật nữa, tôi nghĩ rằng các DN, nếu xác định mua sắm, đầu tư là quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, thì cần phải xây dựng các quy trình, quy định mua sắm riêng của mình. Quy định này phải được xây dựng trên nguyên tắc hướng đến các tiêu chí mà DN đặt ra. Ví dụ như chất lượng, hiệu quả kinh tế, tính nhanh chóng, kịp thời…

PV: Cụ thể hơn, trước khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực, PTSC có những bước chuẩn bị gì để phù hợp với thực tiễn?

Ông Lê Mạnh Cường: Chúng tôi là đơn vị đa dịch vụ, cung cấp theo chuỗi khép kín, trải dài nhiều lĩnh vực. Công tác đầu tư, mua sắm vật tư, trang thiết bị là liên tục và rất đa dạng. Chúng tôi sẽ tập hợp đánh giá, phân loại. Hạng mục, chủng loại, lĩnh vực, gói thầu nào cần cơ chế nhanh chóng linh hoạt sẽ có cơ chế cho gói đó. Những gói thầu, những lĩnh vực quan trọng, nếu cần thiết phải quy định nhiều tiêu chí hơn, thủ tục chặt chẽ, thậm chí hơn cả Luật Đấu thầu, chúng tôi cũng sẽ quy định. Mua sắm cho dự án cũng phải có cơ chế khác với mua sắm thường xuyên hoặc đầu tư xây dựng cơ bản.

Chúng tôi sẽ triển khai rà soát Bộ quy định mua sắm và chắc chắn cũng sẽ có những cập nhật, chỉnh sửa phù hợp hơn với đặc thù, trong đó, công tác đầu tư, mua sắm phải đảm bảo hiệu quả và đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

PV: Trước khi Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), có một số quan điểm cho rằng Luật đang thu hẹp lại đối tượng đấu thầu và việc quản lý vốn của DNNN đầu tư vào các DN dưới 100% vốn sẽ gặp khó khăn. Quan điểm của ông về điều này?

Ông Lê Mạnh Cường: Theo tôi nghĩ, mọi vấn đề đều tồn tại các quan điểm khác nhau. Cá nhân tôi cũng theo dõi cập nhật tiến trình xây dựng Luật rất sát theo báo chí. Tôi cho rằng khi đề xuất phương án, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng đã cân nhắc rất kỹ những mặt tích cực và cả những vấn đề khác. Các cơ quan lập pháp chắc cũng đã thấy được những cái khó, những cái bế tắc trong những năm qua của các DN như chúng tôi nên rất quyết liệt quan điểm sửa đổi.

Quan điểm của tôi là điều chỉnh này là cần thiết, sẽ gỡ khó cho DN. Và gỡ khó luôn cả cho các cấp thực thi, hành pháp, quản lý nhà nước về đấu thầu… Các DN cổ phần cũng được chủ động, linh hoạt hơn. Mặt khác, cũng khuyến khích xã hội hóa, cân bằng vị thế giữa nhà đầu tư nhà nước và nhà đầu tư, cổ đông bên ngoài.

Trên thực tế, chủ động có vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định, các giải pháp sản xuất kinh doanh để mang lại hiệu quả hơn. DN cơ bản kinh doanh hiệu quả thì mới có thu nhập đóng góp cho xã hội, nộp thuế, nộp ngân sách nhà nước, trả cổ tức cho cổ đông DNNN nữa.

PV: Ông có quan ngại gì về mặt quản lý vốn, quản lý đấu thầu trong các DN có dưới 100% vốn của DNNN, nhất là khi DN này không còn bắt buộc áp dụng Luật Đấu thầu?

Ông Lê Mạnh Cường: Tôi cho rằng, phòng tránh tiêu cực là những điều cần phải tính đến để quản trị rủi ro tốt hơn. Trong mọi lĩnh vực chứ không phải là chỉ trong đầu tư, mua sắm. Quản lý chặt quá dẫn đến tự hạn chế chính mình cũng không ổn mà thả gà ra đuổi thì càng không ổn.

Do đó, quản trị nội bộ công ty trong lĩnh vực đầu tư mua sắm phải được các cấp trong DN hết sức chú trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp, ngay và luôn đến đồng vốn, đến túi tiền DN. Các quy trình mua sắm đầu tư của DN vẫn phải có các tiêu chí tương tự Luật Đấu thầu về hiệu quả kinh tế, tính minh bạch, đảm bảo phòng tránh, hướng đến không có tiêu cực xảy ra.

Tôi nghĩ các DN cũng phải thiết kế cơ chế phân cấp quản lý về đầu tư, mua sắm. Đề cao trách nhiệm. Cấp nào quyết định, cấp nào thực hiện, cấp đó chịu trách nhiệm.

Đồng thời cần xây dựng cơ chế nội bộ về báo cáo, giám sát, kiểm toán, đánh giá nội bộ, kiểm soát nội bộ. Có cả tiền kiểm, hậu kiểm và kiểm tra chéo, có “người này làm, người khác kiểm tra”. Quy trình mua sắm, đầu tư trong toàn hệ thống cũng phải hướng đến hiệu quả nhất cho DN nhưng vẫn phải tuân thủ chính sách pháp luật chung, ai vi phạm sẽ bị xử lý.

Ngoài ra, với các công ty đại chúng, vẫn có sự giám sát của các cổ đông, ban kiểm soát, của các cấp có thẩm quyền (ĐHCĐ, HĐQT), đồng thời đáp ứng các tiêu chí công khai minh bạch của DN đại chúng và thị trường chứng khoán. Các đoàn thanh kiểm tra của chủ sở hữu liên quan đến đầu tư, đấu thầu cũng vẫn có các hoạt động kiểm tra hằng năm.

Xin cảm ơn ông!

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) là công ty có 51,3% vốn cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).PTSC chuyên cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp như: EPCI công trình biển; EPC công trình công nghiệp; Kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPS0; Tàu dịch vụ dầu khí; Khảo sát địa chấn, địa chất và công trình ngầm; Lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển; Cảng dịch vụ, Dịch vụ cung ứng nhân lực kỹ thuật và các Dịch vụ cho dự án năng lượng tái tạo. PTSC cũng là một trong những DN Việt Nam tiên phong đầu tư và phát triển dịch vụ dầu khí ra nước ngoài sớm nhất. Hiện nay, PTSC cũng đang tiên phong chuyển hướng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với mục tiêu kép là trở thành nhà đầu tư, nhà phát triển dự án, song song với việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và tin cậy cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi trên toàn cầu.

Xem thêm: Giải pháp để Cà Mau phát triển bền vững

Mạnh Tưởng petrotimes.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC