Đến năm 2017, tổng diện tích có rừng tập trung trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 92.360 ha, chiếm 77% rừng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán 24,5%, chủ yếu là rừng ngập nước. Cà Mau có 3 loại rừng chính:

– Rừng ngập mặn (rừng đước) có diện tích 54.653ha. Tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân.
– Rừng ngập lợ (rừng tràm U Minh) có tổng diện tích 37.707 ha. Tập trung ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình.
– Ngoài ra, trên các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc có trên 710 ha rừng, với nhiều loại gỗ quý và động vật sinh sống dưới tán rừng.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và rừng phòng hộ biển Tây đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Trong đó, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới vào năm 2013. Hiện tại khu vực này đang được tích cực gìn giữ và bảo tồn hệ sinh thái rừng.
Công tác trồng rừng thâm canh ngày càng phát triển, hiện nay ở khu vực U Minh Hạ đã trồng thâm canh khoảng 16.000 ha; trong đó, có khoảng 8.000 ha rừng keo lai và 8.500 ha rừng tràm. Hiệu quả mang lại rất tích cực, kích thích người dân tham gia chuyển đổi cây trồng và mô hình trồng rừng; đồng thời, góp phần hạn chế cháy rừng.
Việc khai thác rừng hàng năm được căn cứ vào phương án được phê duyệt. Năm 2016, diện tích khai thác rừng đạt trên 2.614 ha (bao gồm cả rừng đước và rừng tràm), đạt 65,15% diện tích được cấp phép, với 261.328 m3 gỗ và củi, đạt 55,54% sản lượng được cấp phép. Qua đó, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ gia dụng, ván ép, ván dăm, gỗ ghép, viên gỗ nén. Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay là Công TNHH một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ) và Công Ty TNHH XNK chế biến Gỗ Cà Mau sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 20 mặt hàng gỗ gia dụng, gỗ ghép thanh xuất khẩu, viên gỗ nén và 4.000 sản phẩm gồm các mặt hàng như bàn ghế văn phòng, nhà hàng, trường học, nội thất gia đình cùng nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư trồng rừng (chủ yếu là cây keo lai); xây dựng nhà máy chế biến gỗ và viên gỗ nén xuất khẩu tại xã xã Khánh An, huyện U Minh.
Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của rừng, tỉnh chú trọng bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu Ramsar, khu bảo tồn, rừng phòng hộ. Tỉnh đã thực hiện cơ chế mới về quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo hướng giao đất, khoán rừng đến hộ gia đình. Đối với rừng tràm, rừng đước chuyển từ khai thác sang chăm sóc, tỉa thưa, bảo vệ, trồng mới.
Khu vực rừng ngập mặn, các chủ rừng đã thực hiện tốt liên kết hợp tác với các doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái được chứng nhận dưới tán rừng, đến nay, đã thực hiện khoảng 20.000 ha. Đồng thời, một số mô hình bảo vệ rừng kết hợp nuôi ốc len, sò…được triển khai thực hiện khá tốt, tăng nguồn thu nhập cho người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, hạn chế các hành vi vi phạm về rừng.
Công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng, phương án phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm thực hiện với phương châm 04 tại chỗ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy rừng xảy ra.

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững và ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên rừng dự trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, từng bước tăng tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nông – lâm. Trước mắt, tỉnh Cà Mau hợp tác với các nhà đầu tư trồng 25.000 ha rừng (chủ yếu là keo lai và tràm cừ) tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho chủ rừng chủ động trong việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng, quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng và khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của tỉnh./.
Nguồn: camau.gov.vn