HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Làm gì để phát triển hợp tác xã bền vững?

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là “vựa lúa, trái cây và thuỷ sản” của cả nước, nhưng việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp – vốn được xem là một trong những thành phần chính để tiến đến làm ăn lớn – ở khu vực này còn nhiều hạn chế. Để phát triển bền vững hợp tác xã, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng chính sách khả thi, bớt manh mún, đồng thời lồng ghép nhiều hơn các nguồn lực.

Phát triển hợp tác xã
Một hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Chánh 

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp và góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu của cả nước.

Theo đó, vùng ĐBSCL chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, 70% sản lượng các loại trái cây của cả nước. Vùng có đóng góp 95% lượng gạo và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Ngành nông nghiệp có đóng góp rất quan trọng, nhưng việc phát triển các hợp tác xã – vốn được xem là một trong những thành phần giúp phát triển sản xuất lớn – vẫn còn nhiều hạn chế…

Thiếu và yếu

Theo ông Thịnh, tính đến hết năm ngoái, toàn vùng ĐBSCL có 2.615 hợp tác xã nông nghiệp và 20 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước và tăng 2 lần so với con số được ghi nhận vào thời điểm năm 2016.

Tuy nhiên, xét về số lượng trên mỗi địa phương, bình quân số hợp tác xã nông nghiệp ở ĐBSCL là 194 hợp tác xã/địa phương, chỉ cao hơn vùng Đông Nam bộ (120 hợp tác xã/địa phương) và thấp hơn các vùng còn lại (Đồng bằng sông Hồng là 424 hợp tác xã/địa phương; Trung du miền núi phía Bắc là 307 hợp tác xã/địa phương; Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ là 286 hợp tác xã/địa phương và Tây Nguyên là 251 hợp tác xã/địa phương).

Còn xét về quy mô, theo ông Thịnh, cả nước có 3,78 triệu thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp, tương đương đạt 174 thành viên/hợp tác xã. Tuy nhiên, số lượng thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ đạt 67 thành viên/hợp tác xã.

Theo đánh giá của ông Thịnh, năng lực hợp tác xã nông nghiệp trong vùng còn hạn chế về vốn, tài sản (trung bình tổng vốn, tài sản của mỗi hợp tác xã nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ đạt 855 triệu đồng – PV) và trình độ cán bộ, cho nên, còn khó khăn trong việc đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất bền vững theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng có nhiều hạn chế tồn tại ở các hợp tác xã nông nghiệp ở ĐBSCL, bao gồm vấn đề về vốn; năng lực điều hành, quản lý; năng lực tiếp cận thị trường; về liên kết.

Theo ông, tâm lý e ngại khiến người nông dân chưa tham gia “hết mình” vào hợp tác xã. “Có trường hợp, nông dân tham gia vào hợp tác xã, nhưng phần đóng góp vào là rất nhỏ so với phần tài sản riêng có của họ”, ông Thư dẫn chứng.

Ông Thư cũng chỉ ra rằng, hoạt động của các hợp tác xã hiện nay chưa đa dạng, phong phú, tức ngay trong một chuỗi ngành hàng (về lúa gạo hoặc thủy sản) thì hợp tác xã cũng chỉ tham gia được 1, 2 dịch vụ như: về thủy lợi, làm đất hoặc hơn nữa là cung ứng vật tư.

Trong khi đó, vấn đề liên kết với doanh nghiệp được xác định là yếu tố then chốt quyết định đến thành công của các hợp tác xã thì vẫn chưa được phát huy. “Tôi thấy, hợp tác xã thành công ở Việt Nam hiện nay, có doanh thu lớn đều có liên kết với doanh nghiệp”, ông nói và dẫn chứng, với tỉnh An Giang cũng vậy, tức luôn có doanh nghiệp tham gia liên kết, thậm chí tham gia vào điều hành, góp vốn.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Ở địa phương chúng tôi cũng vậy, tức hợp tác xã nào có bóng dáng liên kết của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có tâm huyết, nguồn lực và làm ăn bài bản, thì đều có hiệu quả”.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tho, Phó giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), cho rằng hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã là nền tảng giúp đơn vị này sản xuất lớn để giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Tho, việc người nông dân không hợp tác với nhau để tham gia mô hình cánh đồng lớn, cùng trồng, cùng mua và cùng bán đã tạo ra sự manh mún, không có kế hoạch dài hạn, gây ra hao hụt và lãng phí trong toàn bộ quá trình sản xuất.

“Sản xuất nhỏ khó ứng dụng cơ giới hoá và tiến bộ khoa học kỹ thuật, dù thực tế đồng ruộng ở ĐBSCL đã áp dụng cơ giới hoá rất nhiều, tuy nhiên, việc chưa đồng bộ đã dẫn đến chưa tối ưu chi phí đầu tư cơ giới hoá, dẫn đến chưa tối ưu chi phí sản xuất”, ông Tho cho biết.

Chính sách có, nhưng chưa đi vào thực tế

Từ thực tiễn phát triển hợp tác xã nông nghiệp như nêu trên, câu hỏi được đặt ra, đó là có phải do Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đang thiếu chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy lĩnh vực này đi lên?

Tại hội nghị “Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” diễn ra ở tỉnh Hậu Giang vào tuần rồi, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết thời gian qua có rất nhiều chính sách phục vụ phát triển hợp tác xã đã được ban hành.

Tuy nhiên, theo ông, việc tiếp cận chính sách ưu đãi của các hợp tác xã hiện nay không khả thi, thậm chí có nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu. “Chính sách của chúng ta nhiều, nhưng dùng từ cho đúng nhất, đó là dàn trải, manh mún và khó khả thi”, ông nhận xét. Theo ông, cần ngồi lại nghiên cứu chính sách ít, nhưng món nào cũng phải “ra ngô ra khoai”.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng đối với vấn đề tiếp cận tài chính cho các hợp tác xã, dù chính sách có nhiều nhưng lại dàn trải, manh mún nên việc tiếp cận không khả thi. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên lồng ghép nhiều hơn nữa các nguồn lực”, ông nói. Theo ông, có thể đưa nguồn lực hỗ trợ cho hợp tác xã thông qua các dự án ODA. Hiện nguồn lực này chỉ chủ yếu vào hạ tầng, cho tổ chức phát triển, trong khi cho tổ chức sản xuất cũng có, nhưng chỉ là hợp phần nhỏ trong các dự án, chứ không phải là hợp phần chính.

Nhìn đa diện, tiếp cận đa chiều, đa giá trị

Tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng chuyện phát triển bền vững hợp tác xã là vấn đề không mới nên rất dễ bị ngộ nhận “đã biết, đã hiểu, đã làm”.

“Tuy nhiên, đôi khi nhìn lại mới vỡ lẽ rằng chúng ta chỉ tiếp cận bằng góc nhìn quen thuộc, mà thiếu cách nhìn đa diện, cách tiếp cận đa chiều, đa giá trị”, ông Hoan nói. Ông cho rằng bây giờ là lúc cần định hình lại để nghĩ và làm khác đi đối với hợp tác xã.

Theo ông, khi và chỉ khi nhìn hợp tác xã không chỉ là một thiết chế kinh tế đơn thuần, mà là một cấu trúc kinh tế – xã hội trong nông nghiệp nông thôn, thì hợp tác xã mạnh hay yếu, bền vững hay không bền vững sẽ không chỉ giới hạn trong không gian của hợp tác xã (các thành viên hợp tác xã), mà còn tác động đến sự bền vững của cả không gian sản xuất nông nghiệp, đời sống nông thôn, hình ảnh một nền nông nghiệp, thương hiệu nông sản.

“Chúng ta hãy đặt định hướng phát triển hợp tác bền vững trong sự tác động rộng lớn như vậy, thì mới thấy cần phải hành động quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, từ bên trong và cả bên ngoài”, ông nói.

Theo ông, khi có hợp tác xã bền vững thì mới có thể vượt qua thực trạng một nền nông nghiệp mang lời nguyền: “manh mún, nhỏ lẽ, tự phát”, tức khi đó thu nhập của người nông dân được tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung, tổ chức dịch vụ chung.

Có hợp tác xã bền vững mới có thể hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng và nhờ đó tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng đó. Đây cũng là điều kiện đưa nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế.

Ngoài ra, theo ông, việc hình thành hợp tác xã bền vững sẽ giúp hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; mới có mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp trên tinh thần hài hoà lợi ích, cùng kiến tạo chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu. “Khi ấy, niềm tin giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, hai thành phần chính trong chuỗi ngành hàng, mới được xác lập, tình trạng phá vỡ hợp đồng tiêu thụ do cả hai bên sẽ hạn chế dần, không gây rủi ro cho cả hai đối tác”, ông nói.

Xem thêm: Cà Mau: Dành nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn

Trung Chánh thesaigontimes.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC