Cà Mau với lợi thế 3 mặt giáp biển, cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt đa dạng, đã hình thành các hệ sinh thái độc đáo, đa dạng, có lợi thế mạnh về sản xuất nông lâm, thủy, hải sản, du lịch sinh thái,… Tuy nhiên, cùng với vị trí 3 mặt giáp biển, tỉnh Cà Mau đồng thời cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh thủy sản có những diễn biến phức tạp; tình trạng sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn, nước biển dâng, mất đất,… diễn ra ngày càng phức tạp. Trong khi đó Đại học Arizona với chuyên môn sâu trong chẩn đoán bệnh tôm và nghiên cứu cơ bản về bệnh tôm bao gồm các bệnh được OIE liệt kê ảnh hưởng đến tôm và các loài giáp xác khác. Ngoài ra, ARIZONA còn có thế mạnh về nghiên cứu các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn hệ sinh thái.

Tháng 02/2021, Đại học Arizona (Mỹ) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã được ký kết thoả thuận hợp tác (MOU) nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực dựa trên thế mạnh và chuyên môn giữa hai phía, nội dung tập trung các lĩnh vực sau:
(1) Nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái của tỉnh Cà Mau (vùng ven biển, vùng rừng đất than bùn và rừng ngập mặn, biển và hải đảo);
(2) Hợp tác trong thực hiện các chương trình nghiên cứu nhằm cải thiện đời sống của cư dân ven biển tỉnh Cà Mau;
(3) Phát triển các dòng tôm sú P.monodon và tôm thẻ chân trắng P.vannamei bố mẹ sạch bệnh (SPF), tôm kháng bệnh (SPR) và tôm có khả năng chống chịu một số mầm bệnh (SPT) để phục vụ cho ngành tôm của tỉnh Cà Mau;
(4) Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng dễ bị tổn thương của tỉnh (dự kiến quy mô 1.000 ha);
(5) Chuyển giao kiến thức về các xét nghiệm chẩn đoán nhanh trên bệnh tôm;
(6) Đào tạo nghề, đào tạo giảng viên chuyện nghiệp (ToT) cho cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh;
(7) Nghiên cứu bảo tồn sự đa dạng sinh học của các Khu dự trữ sinh quyển UNESCO-MAB ở Cà Mau;
(8) Cung cấp dữ liệu khoa học về nông nghiệp, thủy sản phục vụ nghiên cứu và sản xuất của tỉnh Cà Mau;
(9) Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau (công nghệ lai tạo, công nghệ mô thực vật).
Theo đó, Đại học Arizona sẽ cùng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau và các đơn vị có liên quan sẽ triển khai thực hiện các nội dung nêu trên./.
HUỲNH NHƯ