Nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2021, với mong muốn truyền cảm hứng và động lực để các startup mạnh dạn, tự tin trên con đường khởi nghiệp, đồng thời, cung cấp thông tin tổng quan về cách thức thực hiện ý tưởng khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Ngày 14/7/2021, VCCI Cần Thơ phối hợp Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL (MSN) tổ chức Hội thảo với Chủ đề: “Khởi nghiệp số – nên bắt đầu từ đâu trong bối cảnh hiện tại?”.
Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả: Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ; ông Nguyễn Việt Đức, Tổng Giám đốc Công ty Investment Capital Management (ICM); ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc chiến lược Công ty Enouvo và đại diện của các đơn vị hỗ trợ phát triển khởi nghiệp các tỉnh ĐBSCL, cùng với các bạn trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực ĐBSCL cùng tham dự.

Theo đó, Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2021 chính thức nhận hồ sơ từ ngày đến 30/8/2021, ưu tiên 3 lĩnh vực chính là trí tuệ nhân tạo AI, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (được xét chọn ở cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau) và công nghệ chế biến thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp (được xét chọn ở cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp). Cuộc thi năm nay mở ra cơ hội không những cho các đối tượng đang sinh sống và làm việc tại ĐBSCL mà còn cho các đối tượng đang muốn triển khai dự án tại ĐBSCL. Cuộc thi sẽ trải qua 4 vòng tuyển chọn để tìm ra các dự án xứng đáng nhất trao giải, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Điều đáng chú ý, trong năm thứ 6 này, nhằm hỗ trợ startup tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, cuộc thi đã mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược gồm Beacon Fund, ICM, Patamar Capital và Graft. Ngoài ra, các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được hỗ trợ 1-1 bởi các cố vấn (Mentor) là những chuyên gia nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp trong, ngoài nước. Đồng thời, được chọn thẳng vào vòng phỏng vấn của Graft Vietnam Challenge 2021 – Một chương trình tìm kiếm các doanh nghiệp tiên phong về lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp.
Tại phiên tương tác, trao đổi, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức hay đến các startup nhằm ứng dụng công nghệ số thành công trong quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như việc chuẩn bị mô hình kinh doanh của riêng mình, xác định yếu tố con người (đội nhóm), gia tăng trải nghiệm số của khách hàng cũng như phải đảm bảo nhận diện thương hiệu trong không gian số. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ đối với riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL nổi bật lên 03 nhóm: nhóm công nghệ về Biology/Biotechnology/Biochemistry (sinh học, sinh hóa, công nghệ sinh học); nhóm công nghệ số liên quan về nuôi trồng: IoT (giám sát, kiểm soát tự động; tính toán thời điểm cho ăn,…) và nhóm công nghệ về giải pháp thị trường như sàn thương mại điện tử, nền tảng, ứng dụng kết nối phát triển thủy sản.
Ngoài ra, các diễn giả còn nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thực tế chỉ là công cụ nhằm giúp gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như làm giảm khoảng cách, thời gian tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp, giúp quảng bá đặc trưng vùng miền (chẳng hạn sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái được xem là đặc trưng của ĐBSCL), từ đó giúp tăng mức độ nhận diện thương hiệu đến với khách hàng. Do vậy, quan trọng vẫn là tư duy ứng dụng công nghệ.
Xoay quanh việc gọi vốn khi các startup còn khá sơ khai về cơ cấu tổ chức và tài chính, các diễn giả khuyên rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp nên hiểu rõ bản thân đang ở giai đoạn nào thì mới kết nối và được hỗ trợ từ các nhà đầu tư tương ứng. Cụ thể, startup trong giai đoạn đầu, phát triển sản phẩm mẫu thì có thể tìm kiếm các nhà đầu tư thiên thần; startup đang trong giai đoạn tăng tốc và có bằng chứng về hiệu quả của mô hình, có thể gọi vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm; giai đoạn chuẩn hóa và tăng tốc thì startup tìm gọi vốn từ các nhà đầu tư cỡ lớn, nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, chuyên gia lưu ý cần phải hiểu nhà đầu tư của mình, họ quan tâm điều gì, lĩnh vực họ quan tâm đầu tư, các yêu cầu của họ, kể cả việc đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của các buổi gọi vốn đối với các nhà đầu tư. “Tìm Nhà đầu tư ở đâu?” ắt hẳn cũng là vấn đề nhiều bạn trẻ quan tâm khi muốn gọi vốn. Các startup có thể kết nối họ qua Facebook, website, LinkedIn, qua lời giới thiệu, các lớp đào tạo, các cuộc thi,…

Nguồn: Chia sẻ từ diễn giả Nguyễn Việt Đức (ICM)
Trước khi kết thúc chương trình, bà Nguyễn Thị Thương Linh không quên gửi gắm, nhắc nhở các startup trong bối cảnh dịch Covid -19 còn phức tạp, không chỉ có các startup đối mặt với khó khăn mà tất cả các thành phần khác đều trong tình trạng tương tự; do đó, việc không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, không ngừng tư duy, phát huy tính sáng tạo, dám vượt ra khỏi vùng an toàn của mình mới giúp các startup lớn mạnh.
Có thể thấy, sự kiện Hội thảo trực tuyến đã diễn ra kịp thời, thể hiện sự quyết tâm, chuẩn bị chu đáo trước thềm Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2021. Tin tưởng rằng, cuộc thi năm nay sẽ chọn lựa và đào tạo được những startup xứng đáng, dám nghĩ dám làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung cho các tỉnh ĐBSCL./.
HUỲNH NHƯ – iPEC