Hỗ trợ doanh nghiệp

Home » Tin tức » Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid – 19

Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid – 19

Xem lại Hội nghị tại đây

Sáng ngày 09/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid – 19. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi; Lê Văn Sử; Thân Đức Hưởng tham dự.

Đại biểu tại điểm cầu tỉnh Cà Mau tham dự hội nghị.

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4 vừa qua cho thấy có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao.

Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I năm 2020 cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính đến hết ngày 20/3/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đạt gần 8,55 tỷ USD, bằng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm hiểu thị trường của các nhà đầu tư đã bị trì hoãn, bị huỷ; thị trường đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được triển khai vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, có gần 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động. Có tới 92% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 của họ bị sụt giảm so với năm 2019; trong đó, có 20% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên 50%.

Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh do đứt gãy nguồn cung ứng, thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa. Khoảng 30% doanh nghiệp cho biết chỉ có thể duy trì hoạt động được từ 1-3 tháng; 50% duy trì hoạt động không quá 6 tháng; 20% duy trì hoạt động không quá 12 tháng và điều đó có nghĩa là 80% doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất kinh doanh sau 1 năm nếu dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay có 55% doanh nghiệp tiếp tục duy trì quy mô sản xuất, 22% sẽ mở rộng quy mô sản xuất trong quý III; chỉ có 21% doanh nghiệp dự kiến sẽ thu hẹp quy mô, ngừng hoạt động.

Nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, một mặt phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì kinh tế tối thiểu đi kèm với cải cách thể chế và cơ cấu để sớm vùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Việt Nam đã vừa tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch và giờ chính là “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế.

Để làm được điều đó, trước hết là do dân tộc ta đã có sẵn chất “đề kháng” của tinh thần đoàn kết, tiếp đó là tính kỹ luật, tuân thủ của người dân. Điều này cho thấy một chân lý đó là nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, nhà nước ta có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, không được chủ quan, nhưng cũng đừng lo lắng vì đã kiểm soát được dịch bệnh Covid – 19.

Để để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngoài việc thực hiện các chính sách như: gia hạn nộp thuế, ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp…Các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp, sáng kiến giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, thích ứng, đổi mới và phát triển bền vững, nâng cao tự chủ trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới, đặc biệt xây dựng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bền vững, tự chủ; xúc tiến lưu thông hàng hóa, kết nối và đa dạng hóa thị trường đầu ra; kích cầu, phát triển thị trường nội địa. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Tại hội nghị có rất nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để tạo dựng doanh nghiệp phát triển. Từ những kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có một nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới. Các bộ, cơ quan, đặc biệt các địa phương đều phải có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn ở địa phương mình, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động lớn. Quan tâm xử lý kiến nghị doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được làm mất thời gian kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan có trách nhiệm xử lý nhanh kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp cũng như đối với nhà nước phải giữ được 03 thứ đó là lao động; thị trường và phát triển thị trường trong, ngoài nước mà chúng đã đã dày công đàm phán, ký kết trong thời gian qua; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển doanh nghiệp, kể cả loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã…Trên tinh thần ấy, cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

NT (Nguồn: camau.gov.vn)

TIN TỨC LIÊN QUAN