Mỗi khách du lịch khi đến với Cà Mau đều nhủ với lòng mình sẽ mang một sản vật của Đất Mũi về cho những người thân và bạn bè. Có lẽ chính vì điều này mà từ lâu nay những sản phẩm quà tặng nổi tiếng của Cà Mau đã được khách du lịch ưa chuộng như mật ong U Minh, tôm khô Rạch Gốc, dưa bồn bồn Cái Nước, khô cá khoai Cái Đôi Vàm, đũa đước Cà Mau,… Không như những quà tặng đặc sản khác, người nhận chỉ có thể sử dụng trong vòng vài tháng, đũa đước Cà Mau là sản phẩm bền chắc, có thể sử dụng lâu dài từ năm này qua năm khác và mỗi khi dùng qua ai cũng sẽ ấn tượng về một Cà Mau qua từng cái gắp đũa của mỗi bữa ăn.

Đước loài cây chiếm số lượng đông và lại có giá trị cao nhất trong rừng ngập mặn Cà Mau. Trước kia, người dân nghĩ đến việc dùng những cây đước để hầm than hoặc khi cần có thể vót làm đũa ăn một cách thủ công từ những cây đước chắc lọi. Đặc tính của cây đước là thân thẳng, chắc, bền và có thể dùng để làm đũa sử dụng lâu dài. Trong xu thế phát triển của du lịch cả nước, khách du lịch đến với Cà Mau ngày càng đông đúc, bằng việc làm ra những đôi đũa đáp ứng nhu cầu tại chỗ bằng những phương pháp thủ công, sản vật từ đước bền chắc dần dần đi xa đến tay những người khách du lịch ở ngoài tỉnh. Người dân địa phương đầu tư, tìm kiếm một số máy móc thay thế các công đoạn khác nhau để làm đũa như cưa thành khúc (khoảng 27 cm), xẻ ván, xẻ thanh vuông, phơi nắng, chuốt tròn, đánh bóng, đóng gói và in mẫu mã. Mỗi một loại máy được ra đời cho phù hợp với mỗi quy trình cũng được đánh đổi bằng biết bao nhiêu tâm huyết, sức người, sức của và cái sự “liều lĩnh” của những người tiên phong đi đầu trong nghề làm đũa. Khi thành công, có thể kéo theo họ hàng, xóm giềng cùng chung tay tạo nên thương hiệu đũa nổi tiếng của vùng.

Ở đâu có rừng đước thì ở đó có nghề làm đũa đước, thế nên nghề làm đũa đước xuất hiện ở cả 3 huyện của Cà Mau là Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn. nghề làm đũa đước xuất hiện đã góp phần tạo công ăn việc làm cho đại bộ phận bà con vùng rừng ngập mặn, đặc biệt là những người làm thuê không có đất sản xuất. Chú Hai Tuấn (ấp So Đũa, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) có chia sẻ “Khi nghĩ ra mô hình làm đũa đước, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện làm sao để giải quyết công ăn việc làm cho người dân và hạn chế tình trạng thất nghiệp, rảnh rỗi ở địa phương”. Khi đến với địa phương làm đũa đước, không khí lao động luôn tất bật, vất vả nhưng ai nấy cũng vui tươi, hăng say, trên miệng vẫn nở nụ cười rạng rỡ, mang đến cho khách tham quan những cảm giác gần gũi, mộc mạc nhưng sâu lắng và cảm thông hơn về tính cần lao của những con người Cà Mau quanh năm bám biển thương rừng.
Đũa đước Cà Mau có thể phân thành nhiều loại như đũa làm từ cây đước 10 năm tuổi và loại cây lâu năm có thể lên đến 40 tuổi; loại để ăn cơm và loại dùng cho chế biến món ăn, phục vụ việc nấu nướng. Thế nên, khi lựa chọn đũa đước người mua có thể tùy vào mục đích sử dụng mà tìm loại ra loại phù hợp với phong cách ăn của gia đình mình.
Với kiểu dáng rắn rỏi, màu sắc đẹp tự nhiên, những đôi đũa đước đã góp phần tạo thêm mỹ vị cho những món ăn, được người dân khắp nơi tin dùng và lựa chọn. Ngày nay, khách du lịch có thể tìm mua đũa đước ở khắp nơi tại các điểm du lịch, các chợ nông sản thực phẩm và các quầy trưng bày đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Dương Kim Chuyển