Là người Việt Nam, ai cũng ao ước một lần trong đời về với nơi mảnh đất nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc. Chính vì lẽ đó mà Mũi Cà Mau đã sớm đi vào lòng người với những lời ca tiếng hát chứa chan tình cảm “Anh đến thăm em đất biển Cà Mau, có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát”. Những chan đước đong đưa là hình ảnh đẹp đầu tiên gây ấn tượng với du khách khi đến với Mũi Cà Mau.

Trên con đường quen thuộc về Đất Mũi, dọc theo những lối đi của đường Hồ Chí Minh, những dáng đước vươn cao với hình thù đẹp mắt cứ như được bàn tay của tạo hóa ươm mầm, cắt tỉa, gọt giũa, uốn nắn,… Đó là hình ảnh của những luống đước vòm tròn xanh mượt, là dáng dấp vươn thẳng đón ánh mặt trời, là những góc đước nhón chân nhô lên khỏi mặt nước như vẫy chào những người khách đang xuôi về miền Đất Mũi. Những hình ảnh đẹp mắt đó đã góp phần làm phong phú và đa dạng thêm sắc màu du lịch cho quê hương Cà Mau.
Hít sâu vào lồng ngực luồng không khí mát ngọt của rừng, du khách sẽ cảm nhận được mùi hương của đước, mùi mằn mặn của nước biển, mùi chát lịm của vị phù sa. Thêm vào đó là sự hòa quyện thanh âm của những cơn gió rừng, của các loài sinh vật trên các bãi bồi, của sóng biển xô vỗ vào bờ.
Chúng ta không biết tự bao giờ cây đước lại có giá trị lớn lao và gần gũi với người dân Cà Mau. Nhưng có lẽ từ trong tiềm thức của cháu con về một thuở cha ông đi mở cõi, cây đước đã gắn bó với con người nơi đây. Cây đước cho ta những cánh rừng phòng hộ kiên cố,. cho ta những mái nhà, những cây cầu vững chãi và khi những nhu cầu thiết yếu của con người được hình thành thì cây đước cho họ những hòn than đen óng ánh, những đôi đũa thon gọn linh hoạt trong các buổi ăn cùng các món đồ trang trí thủ công mỹ nghệ đẹp mắt theo chân du khách đưa hình ảnh của Cà Mau đi xa vạn dặm.
Và rộng lớn hơn nữa, khi thời đại dành cho ngành công nghiệp không khói phát triển, cây đước cũng bắt đầu theo chân người dân làm du lịch. Những cây cầu làng rừng tại các khu du lịch đã đem lại cho du khách những cảm giác phấn khích, tò mò, lẫn thích thú khi trải nghiệm cảm giác đi xuyên rừng để tìm hiểu về sự phong phú, đa dạng của những loài sinh vật dưới tán rừng đước mênh mông. Khách du lịch còn lựa chọn những góc cạnh khác nhau của rừng đước để làm phong nền cho những bức hình kỷ niệm của họ trong chuyến về Đất Mũi.

Đến Mũi Cà Mau, du khách có thể trải nghiệm hoạt động trồng cây gây rừng tạo sự hứng thú khi mỗi người đến đây góp phần tạo thêm màu xanh cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Những cây đước được trồng sau khi lớn lên sẽ phòng, chống sạt lở, giữ đất, lấn biển, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch Đất Mũi. Đây có thể nói là một trong những hoạt động tích cực góp phần bảo vệ môi trường và những loài thực vật dưới táng rừng. Bên cạnh đó, với việc xây dựng hệ thống bờ kè mềm và nhiều dự án xây dựng các tuyến đê biển Đông đã bảo vệ hiệu quả rừng phòng hộ cũng có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, lại vừa có ý nghĩa trong việc tham quan, ngắm cảnh, dạo biển của du khách ở Mũi Cà Mau.
Ngoài ra, bản thân người dân tại Đất Mũi cũng đã có nhận thức đúng đắn hơn về mô hình du lịch sinh thái thân thiện với môi trường. Ai cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học nên đã tích cực hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ môi trường tại Vườn Quốc Gia Đất Mũi như xử lý rác đúng nơi quy định, khai thác rừng và các loài thủy hải sản dưới tán rừng một cách hợp và đúng theo hướng dẫn để không làm suy giảm đa dạng loài, bảo vệ rừng cây ngập mặn. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng nhờ đó mà có thể quản lý và bảo tồn hệ sinh thái tại vườn hiệu quả.
Với những hoạt động trên đã giúp cho chúng ta tránh khỏi tình trạng biển lấn sâu vào vào đất liền và hàng trăm ha rừng phòng hộ bị cuốn ra biển mỗi năm. Bên cạnh đó, với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi không chỉ đơn thuần là những hoạt động của chính quyền, địa phương mà mỗi người dân Cà Mau chúng ta cũng phải hành động và làm thế nào để ứng phó với biển đổi khí hậu. Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc làm hết sức nhỏ như tắt bớt một bóng đèn khi không cần thiết, tập thói quen xách giỏ đi chợ để hạn chế thải ra môi trường số bọc ni-lông độc hại khó phân hủy, trồng cây xanh trong nhà để bớt đi một lượng khí độc các-bon, bỏ rác đúng nơi quy định, đến với từng điểm du lịch chúng ta hãy là một người công dân gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, vận động người dân tại các địa phương tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên vốn quý của mình… và hơn thế nữa là giáo dục thế hệ con em chúng ta thói quen và tư duy về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Những điều tưởng như là rất đơn giản ấy, lại có ý nghĩa hết sức lớn lao trong việc kêu gọi cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và nguồn sống của con người. Làm được những việc này ở mỗi địa phương du lịch nghĩa là chúng ta đã bước được một bước dài trong việc đưa du lịch Cà Mau đi lên theo hướng bền vững, đáp ứng với nhu cầu và xu thế phát triển chung của du lịch cả nước.
Rừng đước Cà Mau – “Lá phổi xanh” luôn thanh lọc những luồng không khí thanh mát, tinh khiết nhất; là chỗ dựa vững chắc cho biết bao thế hệ con người Cà Mau yêu rừng, bám biển. Rồi đây, những dòng người xuôi về Đất Mũi sẽ vô cùng và thoải mái với cái ánh nắng hanh hao của vùng đất biển vì những dáng đước xanh tươi mát luôn vẫy gọi, những cánh rừng phòng hộ luôn luôn sinh sôi nảy nở đất liền đất, rễ liền rễ lấn sâu ra biển. Người dân Cà Mau cũng sẽ yên tâm hơn về một cuộc sống thanh bình, sâu lắng gắn bó thân thương bên cạnh những chan đước quê mình.
Dương Kim Chuyển iPEC thực hiện