Dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 14 thành phần dân tộc, trong đó có 03 dân tộc chính gồm Kinh – Khmer và Hoa.

Đến đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người Kinh chiếm đại đa số, với khoảng 1.180.000 người, chiếm trên 96% dân số và sinh sống hầu hết ở các nơi trong tỉnh. Tiếp theo là người Khmer khoảng 33.439 người, chiếm 2,73% dân số, sống tập trung tại các ngôi chùa ở cả thành thị và nông thôn, tạo thành các xóm người Khmer, sinh sống bằng nghề trồng lúa, rau màu, chăn nuôi, khai thác thủy sản, mua bán nhỏ. Người Hoa có 9.418 người, chiếm 0,76% dân số, chủ yếu sống ở khu vực thành thị, sinh sống bằng nghề mua bán. Còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Thái, Tày, Nùng, Giao, Gia rai, Ê đê, Chăm, Chu ru, Si la, người nước ngoài.

Tổng số hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 3.940 hộ, chiếm 32,93%; trong đó, hộ nghèo khoảng 3.073 hộ, chiếm 25,68%; hộ cận nghèo khoảng 867 hộ, chiếm 7,25%.
Đồng bào các dân tộc trong tỉnh Cà Mau đều có bản sắc văn hóa, phong tục, tạp quán riêng nhưng luôn đoàn kết, hòa quyện với nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các ngôi chùa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lò hỏa táng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh hoạt vào các dịp lễ, Tết.
Đến nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có bước phát triển đáng kể. Nhiều hộ được cấp đất ở, đất sản xuất, tặng nhà ở, cung cấp nước sạch, giải quyết việc làm, học sinh được cử tuyển; các nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dạy chữ Khmer… được quan tâm giải quyết. Kết cấu hạ tầng nhất là về điện nông thôn, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp nước sạch…được đầu tư xây dựng.. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân mỗi năm từ 3-4%/năm
Nguồn: camau.gov.vn