HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Đặc sản Cà Mau vươn tầm trên Sàn Giao dịch thương mại điện tử

Những năm qua, Sàn Giao dịch thương mại điện tử được xem là phương thức giao dịch hiện đại do có nhiều tính năng vượt trội hơn hình thức mua bán truyền thống được khách hàng ưa chuộng. Nắm bắt tình hình đó, tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai và đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm Sàn Giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đặc sản của tỉnh tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, góp phần tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ được ưu tiên giới thiệu trên Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh trong thời gian tới.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Vì thế trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; đưa giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh, chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, nông sản của tỉnh thông qua ứng dụng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trở thành hình thức phổ biến của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần 3” với chủ đề “Thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Cà Mau” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (CMBA) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) tổ chức vào ngày 14/11/2020 được xem là mốc khởi đầu tích cực cho phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các chuyên gia dự đoán thương mại điện tử sẽ bùng nổ vào năm 2025 ở Việt Nam và điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ. Đại diện nhiều đơn vị đã giới thiệu các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiêp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Lãnh đạo tỉnh theo dõi đơn vị tư vấn giới thiệu về Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh.

Hiện nay, Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh tuy mới hoàn thiện và đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, với địa chỉ truy cập https://madeincamau.com, nhưng được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành cùng doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng đặc sản trong tỉnh đánh giá cao về sự tiện ích, xem đây là kênh bán hàng đặc sản chính thống của tỉnh. Qua đó, sẽ giúp cho các mặt hàng được đến với nhiều khách hàng, mở rộng hệ thống phân phối cũng như bán lẻ. Tại Sàn Giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể tìm cho mình những sản phẩm ưng ý như: Các loại khô; đặc sản bánh kẹo, thực phẩm; hàng hải sản…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân kỳ vọng: “Cà Mau là vùng đất có nhiều đặc sản phong phú, nhưng trước đây muốn mua được đặc sản phải đi đến tận nơi. Hiện nay, tuy có phát triển hơn trước vì các chủ sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu bán trên môi trường mạng, nhưng chỉ mang tính chất riêng lẻ, không tập trung. Vì thế, mong muốn của lãnh đạo tỉnh là xúc tiến mạnh các mặt hàng thế mạnh, chủ lực của tỉnh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Trước mắt là xây dựng Sàn Giao dịch thương mại điện tử chung của tỉnh để những cơ sở sản xuất, kinh doanh đều có gian hàng trên sàn giao dịch, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho khách hàng, khi vào đây là có thể mua tất cả các đặc sản chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại. Mặt khác, các chủ cơ sở phải quan tâm đến dịch vụ giao hàng tiện ích, khi có đơn hàng phải giao nhanh, kịp thời, với giá cả phù hợp, thì tin chắc rằng các mặt hàng đặc sản như: Sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh sẽ nhanh chóng tạo được vị thế trong lòng khách hàng”.

Hiện nay, các loại đặc sản Cà Mau đạt tiêu chuẩn OCOP như: Tôm khô, cá khô bổi, cua, mật ong, gạo sạch, chuối khô, chả cá phi, dưa bồn bồn, ba khía muối… đã và đang được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, do năm 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở. Mặc dù được tập huấn nhiều kỹ năng tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng trên môi trường mạng, nhưng các cơ sở cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm, chưa rành quy định của các sàn giao dịch.

Nhiều chủ cơ sở quan tâm nâng cao chất lượng các sản phẩm khi được đưa lên giới thiệu trên Sàn Giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Là cơ sở có sản phẩm giao dịch tại Sàn Giao dịch thương mại điện tử Shopee, anh Trần Văn Miên  – chủ cơ sở sản xuất ba khía muối ở Đầm Dơi cho biết: “Do bán trên các sàn chung có quá nhiều doanh nghiệp, sản phẩm đảm bảo chất lượng và kém chất lượng vẫn có thể cùng bán chung một sàn, nên khách hàng sẽ so sánh giá cả khi mua, dẫn đến hàng hóa của mình tuy chất lượng nhưng bán ra rất ít, do sản phẩm của mình chất lượng nên giá phải cao hơn sản phẩm kém chất lượng. Nếu Sàn Giao dịch thương mại điện tử của tỉnh chỉ bán riêng các mặt hàng đặc sản của tỉnh và được hướng dẫn hỗ trợ các thao tác giao dịch thì tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội rất tốt để chúng tôi tham gia trưng bày, giới thiệu bán các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất”.

Sản phẩm được giới thiệu trong giai đoạn chạy thử nghiệm của Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Cà Mau.

Là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm khô, nhưng từ trước đến nay chị Trần Ngọc Giàu chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống hoặc đăng trên Facebook, Zalo. Nhưng hiện nay, các trang mạng xã hội cũng ra nhiều quy định mới nên khả năng tương tác với khách hàng cũng hạn chế. Vì vậy, chị Giàu cũng mong muốn sản phẩm của mình được đưa lên Sàn Giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để nhiều khách hàng biết đến, để có nhiều đơn hàng hơn hiện nay.

Từ lâu, các mặt hàng đặc sản tỉnh Cà Mau được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi chất lượng không nơi nào có được. Hi vọng rằng, Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh khi đi vào hoạt động chính thức sẽ giúp cho các sản phẩm đặc sản của địa phương không chỉ vươn tầm trong nước mà còn hướng đến mở rộng thị trường quốc tế, bởi sự tiện ích, nhanh chóng trong phương thức mua bán và chất lượng, độ đáng tin cậy của sản phẩm.

Xem thêm: iPEC vận hành chính thức sàn thương mại điện tử Cà Mau – MadeinCaMau.com

Kim Nhiên

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC