Tôi còn nhớ, hồi tôi còn nhỏ thường theo ông ngoại về quê. Sau một chuyến đi dài bằng vỏ lãi, hai ông cháu sẽ đi bộ tiếp một chặng đường chừng ba cây số nữa mới đến được nhà. Lúc ấy làm gì có quán nước ven đường như bây giờ, mỗi lần thấy khát là hai ông cháu cứ ghé đại một nhà nào đó để xin gáo nước mưa uống cho đỡ khát. Gáo nước mưa ngày ấy không như những ly nước mía, sâm lạnh hay nha đam bây giờ nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm. Tôi nhớ như in sự nhiệt tình của những người dân quê, sự vồn vã khi nhường võng cho khách đường xa, sự chân tình khi trong nhà có gì đem mời cái đó,… tất cả những điều đó đã làm cho những gáo nước mưa ngày ấy trong tôi mát lịm cho đến bây giờ.

Người Cà Mau là thế đấy, họ quý nhau ở cái tình, cái nghĩa. Từ thời khai hoang mở đất những con người đến đây đã gắn bó với nhau, cùng chung tay chống lại cảnh “rừng thiêng nước độc”. Chính những yếu tố khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng đất mới đã hung đúc và hình thành nên những con người Cà Mau chịu thương, chịu khó, sống chan hòa tình cảm với nhau. Người ta nói “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Tính cộng đồng của Cà Mau thể hiện rất rõ nét. Những lúc đói có thể mượn nhau vài dạ gạo ăn đến khi kịp mùa gặt mới. Trong lao động sản xuất của người Cà Mau, họ thường làm “dần công” qua lại với nhau. Khi cất nhà, đám tiệc, làm ruộng, tát đìa,… người ta thường làm phụ nhau, không ai phải tốn tiền công thợ mà còn làm tăng thêm tình làng nghĩa xóm.
Phải nói là người Cà Mau cần cù chăm chỉ, trong lao động sản xuất không ngại gian khổ, dù biết rằng vùng đất ấy thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ rình rập,…họ vẫn kiên trì khai hoang mở cõi và tạo nên thành quả để lại cho con cháu đời sau. Và khi công việc đã đâu vào đấy, họ sẽ ngồi nhâm nhi bên ly rượu đế, ngân nga vài câu vọng cổ yêu thích. Hoặc nếu như gặp khách quý họ có thể thếch đãi hết mình, trong nhà có gì làm đem ra đãi món đó. Có thể gà vịt thả ngoài vườn hoặc cá, rùa, rắn, lươn,…bắt được ngoài ruộng đều phơi bày hết ra bàn nhậu. Tôi có một vài người quen cũng vậy, mỗi lần có bạn từ các tỉnh khác đến Cà Mau là cứ như in họ sẽ sắp xếp tiếp đãi ra sao, đặt ăn chỗ nào, món gì, ngủ ở đâu,… hay một người dù có bận rộn đến đâu cũng sẵn sàng bỏ ra thời gian quý báu của mình tiếp bạn, để rồi sau đó sẽ tranh thủ thức khuya, thức hôm vài ngày sau đó để hoàn thành cho xong công việc. Những biểu hiện đó không phải là đánh bóng bản thân, ra vẻ ta đây, hay chứng tỏ sự giàu có,… mà đó là những tình cảm chân thành, hết sức tự nhiên vốn đã hình thành trong bản chất của con người Cà Mau từ xưa đến nay. Không những thế, khi cuộc vui đã tàn, họ còn gói tặng cho bạn bè những thứ “cây nhà lá vườn” để đem về cho người thân. Hoặc nếu có đi đâu xa, người Cà Mau cũng không quên mang theo món đặc sản làm quà cho bạn bè xa gần như mật ong U Minh, khô cá sặc bổi, tôm khô, dưa bồn bồn,…Mỗi món quà đều như là những thông điệp gần gũi chứa đựng những hình ảnh hết sức thân thương của quê hương và con người Cà Mau trong đó.
Người Cà Mau còn thể hiện cái tình của mình đối với thiên nhiên. Không chỉ sống dựa vào thiên nhiên mà họ luôn luôn biết giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên. Trong một chuyến về U Minh Hạ, tôi đã được anh Điền (Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Mười Ngọt) chia sẻ chân tình: “Mình muốn trồng sen để lấy phấn hoa dụ dỗ cho ong về xây tổ, nhưng lại sợ sen phát triển nhanh lấn át hệ sinh thái rừng tràm” chỉ việc quyết định trồng cái gì thôi cũng đủ để anh đắn đo suy nghĩ làm sao không làm mất đi vẻ tự nhiên của rừng. Hay cách nói bộc trực của chú Tuấn (tại khu T19 – U Minh Hạ) “Chúng tôi muốn bắt cá, cũng tránh làm sao vào mùa cá có trứng để không ăn phải những con cá mẹ chuẩn bị sinh ra một bầy cá con ”. Chúng ta luôn bắt gặp đâu đó những người Cà Mau sống có tâm với cỏ cây và biết ơn với những con cá cọng rau đã nuôi nấng họ.
Người Cà Mau còn luôn biết ơn những bậc tiền nhân đã có công khai hoang và giữ gìn vùng đất nơi họ sinh ra. Ngày nay, chúng ta luôn thấy thấp thoáng những con người như bác Ba Phi, chú Võ Tòng (trong Đất Phương Nam), thầy giáo Phan Ngọc Hiển, chị Hồ Thị Kỷ, anh Lý Văn Lâm, chị Dương Thị Cẩm Vân,…hiển hiện trong đời sống của con người Cà Mau làm động lực để họ không ngừng phấn đấu phát triển.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Thanh Sơn (quê Sóc Trăng) đã hết lòng khen ngợi người Cà Mau thông qua câu hát chứa chan tình cảm “Người Cà Mau dễ thương vô cùng” (Áo mới Cà Mau). Vâng, sự dễ thương và cái tình của người Cà Mau giờ đây như là một thương hiệu góp phần khẳng định Cà Mau không chỉ là một vùng đất mộc mạc, chân quê mà còn rất đỗi thân thiện và mến khách.
Dương Kim Chuyển