Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”; trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản đăng ký tham gia của các ngân hàng thương mại; NHNN vừa ban hành văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng), thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Ngày 16 tháng 8 năm 2023, NHNN chi nhánh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tham dự Hội nghị có ông Lâm Văn Bi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau; đại diện ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, các ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP), các tổ chức tín dụng cùng với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh lâm sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe ông Võ Kiên Giang, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Cà Mau và đại diện các Ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh như: ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Cà Mau; ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Cà Mau báo cáo về tình hình hoạt động của ngành ngân hàng tỉnh Cà Mau các tháng đầu năm 2023 và chương trình tín dụng (khoảng 15.000 tỷ đồng) đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gọi tắt là Chương trình tín dụng).

Qua báo cáo và thông tin của đại diện lãnh đạo các ngân hàng, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến Chương trình này. Phần lớn các câu hỏi được các doanh nghiệp, hợp tác xã đặt ra đối với các ngân hàng chính là: đối tượng của Chương trình này là ai? Thời hạn cho vay, hồ sơ cho vay, tài sản đảm bảo như thế nào? Doanh nghiệp tiếp cận Chương trình tín dụng này ở đâu?
Nắm bắt được nhu cầu và nguyện vọng vay vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Phú Hải – Giám đốc Agribank chi nhánh Cà Mau cho biết Agribank chi nhánh Cà Mau sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Chương trình và cung cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu vay vốn. Ngoài ra, ông Võ Kiên Giang – Phó Giám đốc phụ trách NHHH chi nhánh Cà Mau cũng thông tin thêm, ngoài ngân hàng Agribank thì trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn có 09 tổ chức tín dụng là các ngân hàng TMCP tham gia Chương trình này, đó là ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LP bank) chi nhánh Cà Mau, Sacambank chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Quân đội (MB bank) chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB bank) chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB bank) chi nhánh Cà Mau, ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á bank) chi nhánh Cà Mau với 27 chi nhánh cấp tỉnh và 63 phòng giao dịch tại trung tâm các huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn của Chương trình tại bất kỳ chi nhánh hay phòng giao dịch nào gần nhất, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Lâm Văn Bi nhấn mạnh Hội nghị thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong triển khai thực hiện Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số văn bản 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản, thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo:
– Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở nông nghiệp nghiên cứu, đề xuất tham mưu lãnh đạo tỉnh cơ chế phù hợp để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bên cạnh Chương trình tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
– Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau đẩy mạnh thông tin về chương trình tín dụng đến doanh nghiệp có nhu cầu; làm đầu mối, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu vốn với các tổ chức tín dụng. Đồng thời các tổ chức tín dụng phải thường xuyên, kịp thời phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng đến người dân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
– Ngân hàng nhà nước tỉnh Cà Mau nghiên cứu, phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình tín dụng đối với ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá kết quả hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua lấy hiệu quả thực hiện Chương trình.
– Các tổ chức tín dụng phải phối hợp chặt chẽ với nhau và cùng với ngân hàng Agribank quyết liệt chỉ đạo các Phòng giao dịch triển khai chương trình, cùng nhau chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, phải xem hiệu quả sử dụng vốn, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng; đảm bảo tín dụng phải giúp tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Đức Xinh