Tin tức

Home » Tin tức » Cà Mau tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại Hà Nội

Cà Mau tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại Hà Nội

Nhằm tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sau dịch, tỉnh Cà Mau tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại Hà Nội ngày 30/6/2020 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức. Đoàn tham gia do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thân Đức Hưởng dẫn đoàn.

Tham dự Hội nghị, phía Việt Nam gồm có Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Lãnh đạo các sở ngành liên quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí và truyền hình.

Về phía Hàn Quốc có sự tham dự của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam ông Park Noh-wan; Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO); Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI); Hiệp Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM); Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIMBank); Tổ chức Lao động thế giới tại Việt Nam (ILO);  Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Nội dung Hội nghị nhằm thảo luận các định hướng và biện pháp nhằm tăng cường hợp tác cấp địa phương và đối ngoại giữa Việt Nam và Hàn Quốc sau đại dịch Covid-19 trên các lĩnh vực hợp tác phát triển, thương mại, đầu tư, giáo dục – đào tạo, lao động và du lịch. Hội nghị này có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh hai nước đã khống chế tốt đại dịch Covid-19, giúp đẩy mạnh mối quan hệ tốt đẹp nhằm sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau gặp gỡ song phương với Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam

Cơ hội lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Cà Mau, là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, còn rất nhiều lợi thế và tiềm năng nhưng chưa được khai thác tương xứng. Về vị trí địa lý, tỉnh Cà Mau nằm nằm tại trung tâm biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng vịnh Thái Lan, nơi có trữ lượng dầu khí lớn và thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam (Bangkok – Phnompenh – Hà Tiên – Cà Mau). Tỉnh Cà Mau còn có Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới và Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau. Dân số đạt khoảng 1,24 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động khá cao, chiếm 56%. Ngoài ra, Cà Mau có 254 km chiều dài bờ biển, có diện tích thăm dò khai thác rộng hơn 80.000 km2, là một trong 4 ngư trường đánh bắt thủy sản trọng điểm của cả nước. Với khoảng 280.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ, sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL, chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước. Công nghiệp chế biến của tỉnh chủ yếu là chế biến thủy hải sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Với các điều kiện hiện có, tỉnh được định hướng phát triển trở thành vựa tôm lớn nhất của cả nước và khu vực. Năng lượng tái tạo: Tiềm năng phát triển điện gió tại các khu vực bãi bồi ven biển theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Cà Mau đến năm 2030 là 3.607MW; Điện mặt trời tại các khu vực biển đến năm 2035 là 1.500MW. Đặc biệt, dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai khi hoàn thành có thể đón tàu có tải trọng 250.000DWT….Cà Mau còn có Cảng quốc tế Năm Căn, năng lực hàng hóa thông qua cảng trên 100.000 tấn/năm.

Mũi Cà Mau – Ảnh: Huỳnh Văn Tuyền

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tỉnh tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; nuôi thuỷ sản trên biển; nuôi tôm nhà kính; công nghệ đánh bắt thuỷ sản xa bờ và bảo quản sau đánh bắt; trung tâm nghề cá; khu trung chuyển nông sản; công nghiệp chế biến nông sản; cấp nước và xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; các dự án du lịch; mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; các cảng biển, cảng sông; đường giao thông gắn với phát triển đô thị; phát triển các khu dân cư, trung tâm thương mại…

 Thời gian qua, tỉnh Cà Mau luôn quan tâm và xem trọng hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc. Năm 2018, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn làm việc với tỉnh Jeollabuk và khảo sát thị trường Hàn Quốc, thảo luận về việc đưa lao động Việt Nam làm việc theo thời vụ tại Hàn Quốc và hợp tác đào tạo. Ngày 03/5/2019 chính quyền tỉnh Cà Mau và chính quyền tỉnh Jeollabuk đã chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác để tăng cường hợp tác hữu nghị, thúc đầy phát triển thịnh vượng và lợi ích chung trên cơ sở bình đẳng hữu nghị của hai bên, mở rộng hợp tác như thủy sản, nông nghiệp, nghiên cứu đào tạo, … Cùng ngày, lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc tỉnh Cà Mau và Trường Cao đẳng nghề Kunjang đã thống nhất ký kết ghi nhớ hợp tác để liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hướng nghiệp xuất khẩu lao động, hỗ trợ học bổng, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm giữa hai Trường.

Về hợp tác, phát triển thương mại, giá trị xuất khẩu tỉnh Cà Mau vào thị trường Hàn Quốc từ năm 2015 – 2019 đạt 369,1 triệu USD, cụ thể: Năm 2015 đạt 60,4 triệu USD, chiếm 6,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2016 đạt 69,6 triệu USD (chiếm 7,1%), năm 2017 đạt 88,8 triệu USD (chiếm 8,2%), năm 2018 đạt 74,9 triệu USD (chiếm 6,6%) và năm 2019 đạt 75,4 triệu USD (chiếm 6,5%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tôm thẻ chân trắng, tôm sú, mực nang,… Tỉnh Cà Mau cũng được hỗ trợ thực hiện 02 dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc:Dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau (hoàn thành năm 2012) và Dự án Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc (hoàn thành năm 2018). Tỉnh Cà Mau đã ký thư quan tâm và biên bản ghi nhớ với đối tác Hàn Quốc là Công ty NEXUS DESALINATION và Công ty NEOENBIZ để thực hiện dự án “Trang trại thông minh tiếp theo”. Dự án trên đã được Viện Phát triển Công nghệ Hàn Quốc (KIAT) phê duyệt và được triển khai theo kinh phí của ODA Công nghiệp Hàn Quốc vào năm 2020.

Năm 2018 – 2019 tỉnh Cà Mau thực hiện đào tạo, cung ứng lao động đi làm việc theo hợp đồng là 199 người (theo chương trình EPS là 31 em, còn lại là du học sinh). Năm 2020 tỉnh đã thực hiện Đề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 – 2020, tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nên số lao động hiện chưa được gọi xuất cảnh theo quy định.

Có thể nói, với kết quả phát triển thương mại và lịch sử hợp tác hữu nghị giữa hai phía, Hội nghị lần này đã tạo điều kiện cho tỉnh Cà Mau cơ hội được kết nối sâu rộng hơn với đối tác chiến lược Hàn Quốc. Cùng ngày, đoàn làm việc tỉnh Cà Mau cũng đã có buổi gặp song phương với Đại sứ Hàn Quốc nhằm tăng cường mối quan hệ ngoại giao, đồng thời thảo luận, đề xuất các biện pháp thúc đẩy giao thương và kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Cà Mau như năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Bài viết: Huỳnh Như, Thanh NgânẢnh: Thanh Tuấn

TIN TỨC LIÊN QUAN