Để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5 đến 7%, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng, điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 ở ngưỡng hơn 9%, giai đoạn 2026-2030 hơn 8%.
Với tốc độ tăng trưởng này, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển điện lực là rất lớn. Trong khi, dòng vốn nội tại của nền kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào ngành điện là cần thiết. Song, đây là bài toán không đơn giản nếu không giải quyết và có sự phối hợp chặt chẽ trong chính sách, cơ cấu giá…
Nhu cầu vốn rất lớn
Huy động vốn khó khăn, nguồn điện mới đi vào vận hành luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải, nhu cầu dùng điện tăng cao… đang là thực trạng của ngành điện Việt Nam. Thiếu điện không chỉ là nỗi lo trong mùa khô năm nay, mà còn trong nhiều năm tới. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về Đề án Quy hoạch điện VIII, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 146.000MW, cao hơn mức 125.000-130.000MW nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sản lượng điện sản xuất khoảng 550-600 tỷ kWh.

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống của nước ta đạt 76.620MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27%. Như vậy, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 146.000MW cùng cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều vấn đề đang được đặt ra trong cơ cấu nguồn điện, thu hút vốn đầu tư vào ngành này. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2030, để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn, bình quân khoảng 14 tỷ USD/năm. Trong bối cảnh dòng vốn nội tại của nền kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu, việc huy động và sử dụng hiệu quả số vốn này cũng còn đầy thách thức.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng điện cho phục hồi, phát triển kinh tế, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất. EVN chiếm 1/3 tỷ trọng nguồn điện phát cả nước, còn lại thuộc về các tập đoàn khác, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo. Vì vậy, với nhu cầu vốn của ngành điện khoảng 14 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2030, EVN không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy. Để giải bài toán phát triển hạ tầng điện năng, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Nhận diện nhiều điểm nghẽn
Trong giai đoạn 2021-2025, EVN sẽ khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240MW, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.090MW. Đối với các công trình lưới điện, sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 338 công trình 500-220kV, với tổng chiều dài khoảng 17.000km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 86.000MVA. Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn EVN giai đoạn 2021-2025 khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Áp lực triển khai các dự án hạ tầng điện với EVN là rất lớn, song theo ông Nguyễn Tài Anh, hiện việc triển khai các dự án điện vẫn gặp nhiều khó khăn, như: Các quy định pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ; trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước dẫn đến thực hiện thời gian kéo dài; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng… làm kéo dài thời gian thu xếp vốn cho các dự án.
T&T là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam hướng mũi nhọn vào ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối và điện từ rác thải. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T, có rất nhiều điểm nghẽn đang cản trở các nhà đầu tư mạnh dạn “bơm tiền” vào lĩnh vực tiềm năng này. Lấy dẫn chứng, ông Nguyễn Thái Hà cho hay, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam chưa đưa ra được định hướng lâu dài, ổn định đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả, kế hoạch của nhà đầu tư. Ví như, chính sách đối với điện mặt trời đang bị chững lại từ sau ngày 1-1-2021 và điện gió sau ngày 1-11-2021 đã làm nản lòng nhà đầu tư. Do đó, cần có hành lang pháp lý thông suốt, rõ ràng và liên tục đối với các loại hình năng lượng.
Cùng cách nhìn nhận, ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, thị trường điện Việt Nam đầy tiềm năng nhưng chính sách về phát triển điện lực chưa được ổn định. Điển hình như, cơ chế thu hút vốn vào đầu tư lưới điện. Thời gian qua, việc lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo khiến nhiều nhà máy năng lượng tái tạo phải giảm phát. Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để bảo đảm nguồn lợi nhuận này. Tuy nhiên, sẽ khó để nhà đầu tư rót vốn khi đến nay vẫn chưa có cơ chế giá hay mức thu phí truyền tải là bao nhiêu. Theo đó, chính sách phát triển năng lượng cần rõ ràng và có thể dự báo được, từ đó họ mới có thể quản lý tốt được rủi ro khi rót vốn.
Giá điện là vấn đề tiên quyết
Việc cấp điện cho nền kinh tế theo phương châm “điện đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một cách ổn định, an toàn với giá cả hợp lý” đang là thách thức không nhỏ với ngành điện Việt Nam. Theo đó, để có nguồn tài chính đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, cùng cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo…
Nhấn mạnh tới vấn đề cơ chế giá, nhiều chuyên gia phân tích, nhà đầu tư Nhà nước hay tư nhân cũng đều phải có lợi ích khi bỏ vốn. Với Nhà nước là lợi ích tổng thể khi dùng đồng vốn ngân sách, còn với tư nhân là lợi nhuận. Chính vì vậy, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước trong tính toán cơ chế điều chỉnh giá rất quan trọng để làm sao vừa thu hút đầu tư mà vẫn bảo đảm lợi ích xã hội tổng thể. Từ góc nhìn này, PGS, TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, vai trò của giá điện là trọng tâm nhất trong việc thu hút vốn đầu tư. Sẽ không thể thu hút đầu tư vào ngành điện nếu không có cơ chế giá điện hợp lý. Theo đó, Chính phủ và Bộ Công Thương cần tính toán cơ chế điều chỉnh giá kịp thời và phù hợp. Dẫn chứng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, ông Bùi Xuân Hồi cho rằng, trong thời điểm giá đầu vào than, khí… luôn biến động tăng nhưng giá bán lẻ điện bình quân 3 năm duy trì cùng một mức kể từ năm 2019, sẽ rất khó phát huy hiệu quả thu hút đầu tư vào ngành điện. Có cùng cách nhìn nhận, tuy nhiên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, ngoài cơ chế giá điện thì nhà đầu tư sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như điều kiện bảo lãnh, thuế, các thủ tục về cấp phép hoặc đấu nối. Vì vậy, để thu hút vốn vào ngành điện, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư minh bạch cùng cơ chế, chính sách mang tính dài hạn và giá điện ở mức chấp nhận được, bảo đảm nhà đầu tư có lãi.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải đấu nối. Theo đó, có cơ chế về phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, trình độ thị trường đã thay đổi. Từ đó để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới.
Vũ Dung qdnd.vn thực hiện